Từ chuyện SCIC và JP, nghĩ về việc chọn người

TP - Chuyện lương và thu nhập của lãnh đạo Cty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và hãng hàng không Jetstar Pacific (JP), một doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn chiếm phần vốn chi phối, gây nhiều tranh cãi.

Việc thua lỗ ở Jetstar Pacific rồi cấm xuất cảnh đối với ông cựu tổng giám đốc cũng gây xôn xao. Giải trình của SCIC và Bộ Tài chính có khi còn gây thêm hoài nghi. Làm gì có chuyện làm thêm giờ đối với các quan chức cấp cao và làm gì có chuyện tính đổ đồng mấy triệu đồng/tháng tiền làm thêm ngoài giờ?

Đọc các bài báo liên quan và rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, tôi rất đồng cảm với những xúc cảm, các ý kiến đôi khi rất gay gắt của họ, nhưng cũng thấy còn nhiều thiên kiến và lẫn lộn.

Tôi muốn góp đôi lời mong làm rõ hơn hai vấn đề liên quan là rủi ro kinh doanh và quy trách nhiệm cá nhân; các ông bà chủ có thể làm gì và sự tách rời của quyền sở hữu và quyền quản lý.

Rủi ro là chuyện của giời

Đầu tiên hãy nói về rủi ro kinh doanh. Mọi doanh nhân, doanh nghiệp đều đối mặt với đủ loại rủi ro và phải chấp nhận điều đó. Không dám chấp nhận rủi ro thì đừng đi kinh doanh (và đấy có thể cũng là rủi ro lớn).

Việc để quan chức nhà nước kiêm làm doanh nhân, làm thành viên hội đồng quản trị các công ty nhà nước là tối kỵ. Phải tuyển những người chuyên nghiệp, có các kỹ năng cần thiết và có thành tích trên thương trường.

Họ phải được mặc cả các điều kiện, kể cả lương, thưởng, phạt và các quy chế với các ông chủ. Một khi đã tin họ, đã tuyển họ thì họ phải được quyền điều hành và quyền từ chối các mệnh lệnh hành chính.

Đòi hỏi không thể để bị mất vốn, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối là vô nghĩa. Người tài có thể giảm thiểu rủi ro hơn nhà kinh doanh bình thường, người kinh doanh tồi có thể cháy túi, mất sạch vốn (của mình hay của chủ).

Hàng triệu người đoán đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam sẽ thắng và Việt Nam sẽ đoạt huy chương vàng Sea Games 25 hằng mong đợi. Hàng ngàn người đã chuẩn bị sẵn cờ, băng-rôn và mang ra đầy vỉa hè Hà Nội và các thành phố khác đón cơ hội kinh doanh, bán chúng cho những người hâm mộ ăn mừng chiến thắng.

Giả như đội Việt Nam thắng, nhiều sinh viên sẽ kiếm được vài trăm ngàn hay cả triệu trong đêm đó. Nhưng vận may không đến. Họ đã gặp rủi ro kinh doanh, nhiều người mất tiền, mất công sức.

Buồn. Nhưng đời là thế. Và cũng đừng vì thế mà thối chí. Hãy đợi lần sau, hãy tìm cơ hội khác.

Năm 2008 giá dầu thế giới biến động khôn lường. Các chuyên gia dự đoán giá có thể lên đến 200 USD/thùng. Nghiệp vụ mua bán kỳ hạn dầu (và một số hàng hoá khác) là khá phổ biến.

Thí dụ khi giá ở mức 100 USD/thùng mà ta đặt mua 120 USD/thùng giao sau ba tháng thì, nếu sau ba tháng giá lên 140 USD/thùng, ta sẽ đỡ thiệt (lời) 20 USD/thùng. Còn nếu giá rớt xuống 80 USD/thùng ta bị lỗ 40 USD/thùng.

Đại loại lãnh đạo Jetstar Pacific cũng tính như vậy. Rồi khủng hoảng nổ ra, giá dầu rớt thảm hại, Jetstar Pacific lỗ cỡ 31 triệu USD.

Đây là khoản lỗ khủng khiếp với một doanh nghiệp có vốn 700 tỷ đồng, và có thể khiến hãng phá sản. Thế nhưng lỗ vài chục triệu USD trong các giao dịch như vậy không phải là chuyện “không bình thường”, mà là chuyện xảy ra như cơm bữa trên các thị trường tài chính, tiền tệ và chứng khoán nơi “kỹ thuật hedging” được sử dụng thường xuyên và hiếm hơn trên các sàn giao dịch hàng hoá nhưng trong khủng hoảng thì cả ở đó nữa hàng loạt người chơi đều bị dính.

Nếu không có sự cố ý, không phải vì mục đích tư túi, không vi phạm quy định, những việc xảy ra như vậy phải được coi là rủi ro kinh doanh bình thường, không thể bị quy “tội làm thất thoát” tài sản hay bất cứ tội hình sự nào khác.

Những người liên quan có thể bị các ông chủ hạ lương, cắt thưởng, luân chuyển hay đuổi việc.

Nếu lẫn lộn khái niệm và quy tội hình sự, sẽ chẳng ai dám làm kinh doanh cả. Phải phân biệt rõ rủi ro kinh doanh và các vi phạm hình sự.

Việc ngăn ông cựu tổng giám đốc Jetstar Pacific xuất cảnh cũng phải sớm minh bạch. Sự lẫn lộn là vô cùng tai hại.

Bỏ phiếu bằng chân...

Tiếp đến là vai trò của các ông bà chủ và sự hiểu rõ quyền sở hữu và quyền quản lý mà hai quyền đó có thể tách ra khỏi nhau. Khi doanh nghiệp lỗ lớn, các ông chủ có thể làm được gì? Nếu đúng là rủi ro kinh doanh, họ phải chịu.

Để doanh nghiệp phá sản và chịu mất vốn, bán doanh nghiệp cho người khác, bơm thêm vốn để duy trì doanh nghiệp, sa thải ban lãnh đạo, v.v. Đấy là các lựa chọn khả dĩ của các ông chủ. Tất nhiên, nếu có dấu hiệu hình sự thì lại là chuyện khác.

Một chị, một sinh viên bán cờ và băng-rôn bị rủi ro do U23 thua, họ tự chịu. Một công ty tư nhân, nơi ông bà chủ và người điều hành là một người, tự chịu mọi trách nhiệm về việc kinh doanh cũng vậy.

Các doanh nhân này không thể kêu ai, chỉ có trách mình hay trách vận may không đến. Không có khoảng cách giữa quyền sở hữu và quyền quản lý.

Sự việc hơi khác đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thuê giám đốc. Giám đốc cũng có thể là một (trong vài) ông bà chủ. Khi đó trách nhiệm của các ông bà chủ chỉ giới hạn ở phần vốn mình đã góp vào công ty. Nếu lỗ của công ty lớn hơn vốn góp và tài sản tích luỹ của công ty, người bị thiệt là người thứ ba (người cho vay, nhà nước, người lao động).

Nhưng do quan hệ giữa chủ và giám đốc làm thuê còn khá chặt, việc theo dõi dễ hơn, quy mô hoạt động nhỏ nên kỷ luật hay ràng buộc tài chính dễ áp đặt hơn, khuyến khích tài chính cũng dễ thấy hơn, khoảng cách giữa quyền sở hữu và quyền điều hành có thể có nhưng chưa lớn, việc giải quyết rủi ro thường không mấy khi gây ra bức xúc xã hội.

Với các công ty cổ phần (nhất là các công ty đại chúng có hàng ngàn hàng vạn cổ đông) thì sự tách bạch quyền sở hữu và quyền điều hành là rất rõ. Người điều hành có thể không phải là một trong các ông bà chủ mà là những người chuyên nghiệp.

Khi đó những người điều hành rất có thể lạm dụng quyền lực được trao. Họ được lợi lớn (lương cao, thưởng lớn, uy tín lên) nếu doanh nghiệp hoạt động tốt. Còn nếu lỗ thì các cổ đông gánh chịu (tuy uy tín của họ bị giảm sút).

Để tránh hay giảm thiểu khả năng đó, việc tuyển chọn người thường khá khắt khe và thận trọng.

Các ông bà chủ phải bầu ra hội đồng quản trị và ban kiểm soát để quản trị doanh nghiệp, thuê các giám đốc chuyên nghiệp và kiểm soát, giám sát hoạt động của đội ngũ điều hành. Nếu làm ăn thất bát thì, tại đại hội cổ đông, các ông bà chủ có thể sa thải (không bầu lại) các vị trong hội đồng quản trị.

Đến lượt mình, hội đồng quản trị (những người đại diện cho cổ đông) có thể cắt lương, cắt thưởng của những người điều hành hay sa thải họ (bên cạnh việc hoạch định chiến lược, mục tiêu và thông qua kế hoạch).

Nhưng tất cả những biện pháp trừng phạt đó thường chỉ xảy ra sau khi sự cố  xảy ra rồi. Vì thế việc tuyển chọn người, phân công trách nhiệm và quyền hạn phải rất rõ ràng và việc giám sát, kiểm tra phải nghiêm. Các cổ đông không vừa lòng có thể chọn cách rút lui, “bỏ phiếu bằng chân”, tức là bán cổ phần của mình và đầu tư vào nơi khác.

Áp lực cạnh tranh trên thị trường các nhà quản trị chuyên nghiệp, mất uy tín chuyên môn cũng khiến lãnh đạo các doanh nghiệp dè chừng. Xét cho cùng vẫn có những con người cụ thể, bằng xương bằng thịt bị ảnh hưởng và có quyền quyết định đến việc gạt bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp.

... và không thể bằng chân

Với các doanh nghiệp nhà nước, tình hình khá giống các công ty cổ phần nhưng có hai khác biệt rất lớn. Đó là cổ đông là tất cả công dân nhưng họ không có quyền trực tiếp hay gián tiếp gạt bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp; họ cũng chẳng thể “bỏ phiếu bằng chân”.

Sự tách biệt quyền sở hữu và quyền điều hành ở mức cao nhất. Các ông bà chủ thực, các công dân, buộc phải để các đại diện, các quan chức nhà nước mà họ chưa có quyền phế bỏ thay mình cử ra hội đồng quản trị của cái công ty cổ phần đặc biệt ấy.

Những người làm thuê trở thành các ông chủ thực sự và có thể coi các cổ đông không ra gì. Nguy cơ lạm dụng quyền là cao nhất.

Tạo cơ chế cho các ông bà chủ thực có thể có tiếng nói của mình, buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh trên cùng sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp khác; có quy chế tuyển chọn đúng, đòi hỏi tính chuyên nghiệp của các thành viên hội đồng quản trị và điều hành, quy chế hoạt động phải rất nghiêm ngặt, v.v, thì mới giảm bớt được sự lạm dụng quyền lực.

Cần sự minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp, sự tách bạch giữa các quyết định chính trị của nhà nước và các quyết định kinh tế của doanh nghiệp. Đấy mới là những vấn đề thực sự quan trọng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề thực sự bức xúc là việc tuyển chọn các lãnh đạo doanh nghiệp. Việc để quan chức nhà nước kiêm làm doanh nhân, làm thành viên hội đồng quản trị các công ty này là tối kỵ.

Phải tuyển những người chuyên nghiệp, có các kỹ năng cần thiết và có thành tích trên thương trường. Họ phải được mặc cả các điều kiện, kể cả lương, thưởng, phạt và các quy chế với các ông chủ. Một khi đã tin họ, đã tuyển họ thì họ phải được quyền điều hành và quyền từ chối các mệnh lệnh hành chính.

Đáng tiếc ở chúng ta chưa được như vậy. Nếu được tự chủ kinh doanh, chắc SCIC chẳng mua cổ phần Bảo Việt của Vinashin với giá ban đầu mà Vinashin đã mua ở mức khá cao và đành chịu lỗ cả ngàn tỷ đồng nếu mua trên thị trường chứng khoán. Sự nhập nhằng này khiến rất khó đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của họ.

Chuyện lương và thu nhập ở SCIC và các tập đoàn khác chỉ là phần nổi rất nhỏ của các doanh nghiệp nhà nước. Lương ở mức hiện hành là thấp, chứ không phải cao nếu các lãnh đạo là các nhà chuyên nghiệp và nếu muốn chúng phát triển. Ông chủ nhà nước càng cần phải tách bạch quyền chủ sở hữu và quyền quản lý và hãy dùng đúng quyền ông chủ của mình. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?