Trung Quốc sẽ tham gia hiệp ước hạt nhân cùng Mỹ và Nga?

TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận vào thứ Sáu về khả năng một hiệp định mới hạn chế vũ khí hạt nhân cuối cùng có thể bao gồm Trung Quốc trong một thỏa thuận lớn giữa ba cường quốc nguyên tử hàng đầu thế giới.
Ông Trump và ông Putin gặp nhau hồi tháng 7/2018 tại Helsinki, Phần Lan ảnh: Reuters

Theo tin của Reuters, Tổng thống Mỹ nói ông và ông Putin đã thảo luận về nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, mối bất hòa chính trị ở Venezuela và Ukraine trong cuộc gọi kéo dài hơn một giờ.

Hiệp ước START mới năm 2011, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược duy nhất giữa Mỹ và Nga đã triển khai, hết hạn vào tháng 2/2021 nhưng có thể được gia hạn thêm 5 năm nếu hai bên đồng ý.

Ông Trump  nói chi phí duy trì kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là một yếu tố thúc đẩy việc hạn chế số lượng vũ khí được triển khai.

“Chúng tôi đã nói về một thỏa thuận hạt nhân mà hai bên đều đồng ý giảm số lượng vũ khí và có thể là thứ giúp loại bỏ bớt kho hỏa lực khổng lồ mà đôi bên đang sở hữu”, Tổng thống Mỹ nói.

Ông cũng nói, trong các cuộc đàm phán thương mại, phía Trung Quốc “có vẻ quả quyết” về việc gia nhập với Mỹ và Nga trong việc hạn chế vũ khí hạt nhân.

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ sớm khởi động cái gì đó với Nga và rồi Trung Quốc sẽ tham gia sau đó”, ông nói.

Hiệp ước START mới bắt buộc Mỹ và Nga cắt giảm đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai của họ xuống không quá 1.550, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và hạn chế các hệ thống bắn/phóng,  các tên lửa phóng đi từ mặt đất và tàu ngầm, các máy bay ném bom hạt nhân.

Nó cũng bao gồm các biện pháp minh bạch, buộc mỗi bên cho phép bên kia thực hiện 10 cuộc kiểm tra các căn cứ hạt nhân chiến lược mỗi năm; thông báo trước 48 giờ trước khi các tên lửa mới thuộc phạm vi hiệp ước rời khỏi nhà máy; thông báo trước khi phóng tên lửa đạn đạo.

Ông Trump đã gọi hiệp ước START mới, được ký kết bởi tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, là “thỏa thuận tồi tệ” và “một chiều”.

Điện Kremlin cho biết hai bên có ý định đối thoại ở nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề an ninh chiến lược.

Bắc Kinh từ lâu đã nói rằng họ sẽ không tham gia kiểm soát hạt nhân với các quốc gia có kho dự trữ lớn hơn nhiều. Trung Quốc có chưa tới 1/10 số vũ khí hạt nhân mà Nga và Mỹ có. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN hồi cuối tháng 4 về vấn đề này.

“Trung Quốc thậm chí không ở trong cùng một sân bóng”, Alexandra Bell, giám đốc chính sách cao cấp tại Trung tâm kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, nói với CNN. “Họ thậm chí không chơi cùng một trò chơi”.