Triển lãm đã đón tiếp khoảng 30 triệu khách tham quan, một kỷ lục đáng nể. Thế nhưng, lần này, nó bị cấm ngay tại Paris, từ ngày 21/4.
Lệnh cấm do Tòa án Pháp công bố, sau khi xử thua kiện cho các nhà tổ chức triển lãm. Nó buộc phải đóng cửa trong vòng 24 giờ kể từ khi có lệnh cấm. Mỗi ngày chậm thi hành, ban tổ chức triển lãm phải nộp phạt 20.000 euro.
Cơ quan tổ chức triển lãm "Cơ thể chúng ta" tại Pháp đã đệ đơn kháng án. Song, lệnh đóng cửa vẫn giữ nguyên hiệu lực cho tới khi có kết quả xét xử phúc thẩm. Dư luận Pháp ngày một sôi lên vì vụ án hy hữu này.
Sau thành công ở Đức, Mỹ, Australia, Nhật Bản…, triển lãm "Cơ thể chúng ta" đến Pháp từ mùa xuân năm ngoái, dừng lại ở Lyon rồi Marseille, thu hút 145.000 người xem và gây xôn xao dư luận.
Trong dòng người ùn ùn tới tham quan ở Lyon và Marseille, nhiều người bức xúc đến mức đề nghị chấm dứt triển lãm câu khách đáng xấu hổ này (giá vé vào cửa là 15,5 euro).
Từ 12/2 vừa qua, nó mở cửa đón khách tham quan ở Khu Không gian 12 Madeleine, dự kiến kéo dài tới 10/5, tiếp đó là tại Công viên muôn hoa (hai nơi đều ở Paris) cho đến 23/8. Số khách tham quan dự kiến không dưới 300.000 người.
Từ những ngày đầu khai trương ở Lyon, nó đã bị chỉ trích và chế giễu. Sau đó ít lâu, làng khoa học Pháp đã tham khảo ý kiến của Ủy ban đạo lý quốc gia về việc có nên chấp thuận cho triển lãm ở khuôn viên của mình.
Ủy ban này cho rằng: "Xác người bị biến thành các đồ vật câu khách, thành hàng hóa; người chết hóa thành vô danh, đời người trở nên vô nghĩa".
Hơn một tháng sau, Bảo tàng Con người và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên lần lượt từ chối đề nghị được trưng bày của ban tổ chức "Cơ thể chúng ta".
Cuối năm 2008, Quốc hội Pháp thông qua bộ luật về xác người, trong đó có điều khoản: "Không gian dành cho xác người là nghĩa địa". Dĩ nhiên, luật cho phép một vài ngoại lệ, theo đó, nếu người chết và thân chủ tán thành, xác chết được một cơ quan nghiên cứu như các đại học y dược, tạm mượn một thời gian và người ngoài có thể vào xem để tìm hiểu giải phẫu người.
Lập tức, hai tổ chức vì nhân quyền của Pháp gồm Hội chống hình phạt tử hình và Cơ quan hợp tác Pháp - Trung đã kiện Ban tổ chức triển lãm "Cơ thể chúng ta" vì những xác người đem trưng bày ở Pháp dịp này đều là xác người Trung Quốc, do một cơ quan giải phẫu Hồng Kông bán lại.
Đáng ngạc nhiên, tất cả còn trẻ, đều là nam. Họ có thể là tử tù, hay bị hãm hại trong các phi vụ làm ăn và buôn lậu.
Tòa đại hình Paris căn cứ vào bộ luật về xác người tuyên án triển lãm "Cơ thể chúng ta" không hợp pháp và phải ngừng hoạt động. Nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước Pháp ủng hộ quyết định của Tòa án Paris, dù một số vẫn tranh luận trái chiều.
Không ít phóng sự được tung ra cho thấy nhiều khách tham quan triển lãm, nhất là thanh thiếu niên bị sốc nặng. Họ chịu không nổi những cái xác như những hình người ghê rợn. Người la lên, bỏ chạy ra ngoài. Kẻ khóc nức nở và ngất xỉu.
Bản án đanh thép là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với nạn buôn bán nội tạng và xác người. Trên khắp trái đất, tệ nạn ấy đang ngấm ngầm băng hoại đạo đức và góp phần phá hỏng nền tảng đạo lý.
Cơ quan pháp luật Pháp đã đặt vấn đề với nhà cầm quyền Trung Quốc, xem xét vụ án bán xác người. Cảnh sát hai nước đã phối hợp tìm tung tích của những xác người bị đem triển lãm.
Hiện nay, nhà cầm quyền Pháp chủ trương thương lượng để hồi hương các xác chết hoặc xác lập thủ tục và địa điểm thích hợp để an táng tại Pháp các nạn nhân xấu số. Vụ án sẽ được làm sáng tỏ trong vài tháng nữa.
Khuất Lệ Lan
Theo nhiều tài liệu nước ngoài