Bắt đầu cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Long, Thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội đại diện cộng đồng doanh nghiệp taxi Thủ đô gay gắt nhằm vào Uber, Grab và Bộ GTVT. Ông Long cho rằng, hiện Uber và Grab đã phát triển đến 15 nghìn xe tại Hà Nội, 40 nghìn xe trên toàn quốc. Ông Long cho rằng, với tiềm năng tài chính hàng tỉ USD, Uber và Grab đã thực hiện các biện pháp khuyến mãi, giảm giá vi phạm Luật Cạnh tranh nhằm mục đích triệt tiêu taxi truyền thống rồi thống lĩnh toàn bộ thị trường taxi.
Ông Long còn chỉ ra những bất cập như taxi Uber và Grab gây ùn tắc giao thông, phá vỡ quy hoạch vận tải, có dấu hiệu gian lận thuế... Ông Long và nhiều doanh nghiệp khác "tố" giá cước của Uber và Grab thực chất bằng, có lúc cao hơn taxi truyền thống, việc giảm giá là đang dùng vốn lớn, chịu lỗ (Grab mới công bố lỗ 440 tỷ đồng) để giành khách.
Ông Nguyễn Tiến Long, Thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội đại diện cộng đồng doanh nghiệp taxi Thủ đô phát biểu
Đại diện các doanh nghiệp taxi Hà Nội và các đại diện của taxi truyền thống khác cho rằng, Bộ GTVT đã "buông lỏng" quản lý, "xem nhẹ", "thiếu trách nhiệm" trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng về việc thí điểm loại hình taxi công nghệ này, không quản lý số lượng phương tiện tham gia thí điểm, chấp thuận và chuẩn bị "hợp thức hoá" loại hình này vào Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải. Thậm chí, vị đại diện này còn đặt câu hỏi: "Liệu có lợi ích nhóm ở đây?".
Ông Long và nhiều đại diện taxi truyền thống khác đề nghị Bộ GTVT hoãn trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 để có các quy định công bằng giữa taxi truyền thống và các loại hình như Uber và Grab, quản lý Uber và Grab như taxi truyền thống.
Trước mắt, phía taxi truyền thống đề nghị Bộ GTVT dừng hẳn việc tăng số lượng xe Uber và Grab, thậm chí không cấp thêm đơn vị thí điểm.
Khác với quan điểm của các hãng taxi truyền thống, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, giá cước "rất rẻ" của Uber và Grab là một lợi thế ai cũng nhận thấy.
Theo ông Hùng, dịch vụ này còn có một số tiện ích như khi gọi xe biết chắc chắn xe sẽ đến đón, mẹ gọi xe cho con nhỏ đi có thể biết được con đang đi đến đâu... "Phần mềm của họ tối ưu ở chỗ khách chấm điểm cho taxi trên hệ thống nên bản thân lái xe cạnh tranh nhau, nên không thể nói họ bỏ rơi khách hàng, không quan tâm đến chất lượng", ông Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) kể, giờ bình thường bà đi Uber và Grab từ nhà đến Bộ GTVT hết 40.000 đồng, giờ cao điểm hết 60.000 đồng. Trước dự cuộc họp này, bà chọn đi taxi truyền thống để không bị Uber và Grab tăng giá giờ cao điểm.
"Tôi gọi một chiếc taxi Ba Sao nhưng đợi mãi không thấy xe đón, đành vẫy một xe khác hết 59 nghìn đồng, khi ra khỏi xe, chiếc xe còn bị hỏng chốt cửa".
Có mặt tại cuộc họp, đại diện Uber và Grab theo dõi kỹ các nội dung cuộc họp. Khi được mời lên phát biểu, đại diện Uber và Grab chỉ nói ngắn gọn, khẳng định "làm đúng mọi quy định pháp luật", "vì quyền lợi của hành khách" và biện pháp quản lý thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng, không có ý kiến cụ thể.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay sẽ dừng việc trình Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về quản lý vận tải để bổ sung các quy định quản lý theo đề nghị của các doanh nghiệp.
Về việc ngừng tăng số lượng xe Uber và Grab, Bộ GTVT khẳng định đây là thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương. "Đề nghị các thành phố căn cứ theo quyết định thí điểm của Thủ tướng và Luật Giao thông đường bộ quyết định số lượng xe; dùng công an, thanh tra đô thị, thu hồi giấy phép, xử phạt các đơn vị, cá nhân vi phạm, không đổ lỗi cho Bộ GTVT và các bộ chức năng khác"- ông Trường nói.
Ông Trương Đình Quý, Phó GĐ Vinasun cho rằng, về bản chất, Uber và Grab hoạt động giống taxi nên cần có các quy định như nhau. Ông Quý đề nghị Bộ GTVT nên “thương" doanh nghiệp Việt. "Uber và Grab được thế nào thì chúng tôi xin được như thế đó. Xin năn nỉ Bộ GTVT và Nhà nước tạo điều kiện để taxi truyền thống có thể tồn tại" - ông Quý nói.