Mềm mỏng, khiêm tốn nhưng cũng rất hiệu quả là phong cách của ông Mai Đức Chung. Ảnh: Trường Huy
Điều ít ai biết được về ông Mai Đức Chung là việc ông tham gia đội Tổng cục Đường sắt khi đã có trong tay tấm bằng Đại học TDTT. Người đã có công kéo ông Chung vào bóng đá là ông Bùi Nghẽn - khi ấy là HLV trưởng đội Xe ca Hà Nội.
Ba năm đá cho đội Xe ca, năm 1975, ông Mai Đức Chung gia nhập đội Tổng cục Đường sắt. “Khi ấy TCĐS là một đội bóng mạnh với nhiều ngôi sao miền Bắc như các ông Lê Thụy Hải, Hoàng Gia, Lê Khắc Chính...- Ông Mai Đức Chung nhớ lại - Tất nhiên vẫn còn kém một chút so với Thể Công”.
Sau ngày giải phóng, Tổng cục TDTT quyết định tổ chức một chuyến thi đấu giao hữu giữa một đội bóng phía Bắc với một số đội miền Nam. Lẽ ra Thể Công phải là đội tiên phong nhưng sau khi cân nhắc, Tổng cục TDTT quyết định cử đội Tổng cục Đường sắt khi ấy vừa đoạt chức vô địch công đoàn miền Bắc vào đại diện.
“Thực ra trước khi lên đường, chúng tôi rất háo hức - Ông Mai Đức Chung nói - Tất cả anh em trong đội hầu hết chưa ai có dịp vào miền Nam. Hơn nữa chúng tôi cũng đã nghe danh những cầu thủ miền Nam như thủ môn Công Hoàng “bay như vượn”, bức tường thép Tam Lang... nên muốn thử chân thử giày thế nào”.
Lần đi ấy đội TCĐS được đặc cách đi... máy bay. Ấy vậy mà trên chiếc máy bay DC 4 động cơ cũ kỹ của Mỹ để lại ai nấy đều run như cầy sấy. Nhưng nỗi sợ ấy chưa thấm bằng những lời dặn dò của lãnh đạo trước khi lên đường: “Tình hình miền Nam sau ngày giải phóng vẫn còn nhiều bất ổn, không được ai ra ngoài một mình, rất nguy hiểm”.
Một không khí cuồng nhiệt ở sân Thống Nhất
“Thành phố Sài Gòn, lúc ấy đã được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh, dù vừa trải qua những biến cố chiến tranh những vẫn khiến chúng tôi phải kinh ngạc bởi những ngôi nhà cao tầng, khi ấy là của hiếm ở miền Bắc. Đó là những gì còn sót lại ở nơi mà người ta vẫn gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông - Ông Chung tâm sự.
Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả vẫn là tấm thịnh tình của người hâm mộ TPHCM dành cho các cầu thủ đầu tiên từ miền Bắc vào thi đấu. Khi chúng tôi ra sân tập, rất nhiều người đã đến tận nơi, nắn tay, nắn chân chúng tôi để xem “có lẻo khẻo như tin đồn không, hóa ra các chú cũng cao to, vạm vỡ quá”. Thậm chí nhiều khán giả còn nói rất thật: “Các chú còn trẻ thế thì thua mất thôi”.
Trận đấu đầu tiên của bóng đá hai miền là một sự kiện đặc biệt, ông Mai Đức Chung còn nhớ rất rõ: “Khán đài không một chỗ trống, trên một ghế có đến 3 - 4 người ngồi, khán giả còn trèo lên thành tường, ngọn cây để theo dõi trận đấu.Có một sự kiện mà không ai quên được. Đó là khi chúng tôi bước vào sân phải đi giữa hai hàng... bộ đội. Lúc khởi động chuẩn bị cho trận đấu bỗng nhiên có tiếng súng nổ, anh em trong đội nhất loạt nằm rạp cả xuống sân cỏ vì sợ... đạn. Hóa ra đó chỉ là phát súng chỉ thiên của bộ đội nhằm đảm bảo trật tự”.
Trong không khí cuồng nhiệt ấy, đội TCĐS của ông Mai Đức Chung đã chơi một trận tuyệt hay. Ông Chung đã ghi bàn đầu tiên của trận đấu, tiền vệ Lê Thụy Hải ấn định tỷ số 2 - 0 trước đội Cảng Sài Gòn danh tiếng lúc bấy giờ.
Sau đó là một mạch thắng Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ và cuối cùng thua Hải Quan 1 - 2. Phong cách thi đấu năng nổ mà hoà nhã, lối đá linh hoạt, tinh tế, TCĐS để lại nhiều ấn tượng đẹp trong khán giả miền Nam.
Sau chuyến thi đấu, nhiều cầu thủ miền Bắc đã được người hâm mộ TPHCM mời đi uống cà phê nhưng chẳng ai dám đi vì lời dặn của lãnh đạo: “Đi đâu cũng phải có ít nhất ba người”.
Bức thông điệp cho thế hệ trẻ
Chiến lợi phẩm của chuyến đi
Ông Mai Đức Chung nhớ lại: “Khi tôi còn ở đội bóng, đời sống khó khăn lắm. Trước khi vào miền Nam chúng tôi đã được thi đấu ở Trung Quốc vài tháng và đó cũng là dịp để các cầu thủ mua đồ dùng gia đình. Bởi thế khi về Hà Nội, đội chúng tôi còn được gọi là đội “xích líp”.
Hồi đó xích líp xe đạp quý như vàng, chỉ có đi nước ngoài là mua dễ. Vào TPHCM, mấy anh em cũng bàn nhau mua thuốc lá sợi ngoài Bắc vào Sài Gòn bán, cũng được ít tiền và lại mua sắm.
Có người mua quạt, mua ti vi, giàu nhất có tuyển thủ mua đuợc cả xe vespa mang ra ngoài Bắc, lúc ấy chiếc vespa còn giá trị hơn xe ôtô bây giờ. Còn tôi thì mua được một chiếc đài mô-nô, mang về nhà, nó trở thành món đồ giá trị nhất”.
“Lớp cầu thủ như chúng tôi khi ngồi với nhau thường lấy mình ra so sánh với lớp trẻ. Có người nói cầu thủ bây giờ chỉ cao đến đầu gối lớp cha chú, có lẽ hơi quá. Nhưng có một sự thật là ngày trước, tất cả các cầu thủ danh tiếng đều có những miếng riêng, rất riêng. Như ông Điệp “lùn” có quả cài bóng, ông Từ Như Hiển vừa chạy vừa sút bóng tài tình, ông Hải “lơ” lừa bóng rất khéo, Chính “cối” cắt kéo không ai bằng.
Bản thân tôi tự cho mình là có khả năng chơi đầu tốt. Chúng tôi có được điều ấy là do sau mỗi buổi tập chung với toàn đội, ai cũng có bài tập riêng để trau dồi kỹ năng của riêng mình.
Lớp trẻ bây giờ không thế, có thể họ lười, có thể nhiều sự đam mê khác nên lòng yêu nghề không bằng chúng tôi. Cầu thủ thành danh được là do mỗi “miếng”, mỗi “chất quái” đọng lại trên sân cỏ.
Tôi cũng hơi buồn vì ngay cả cấp đội tuyển, chúng ta ngày càng thiếu những cá nhân có thể khiến khán giả “ồ” lên bằng những mảng miếng của riêng mình.
Tôi hy vọng chuyện này sẽ được cải thiện để khi nhắc đến một cầu thủ nào đó, người hâm mộ nhắc đến cách chơi bóng chứ không chỉ là bàn thắng hay những scandal” - Ông Mai Đức Chung nói như để kết thúc câu chuyện kể về một chuyến đi đáng nhớ ngay sau ngày đất nước thống nhất.