Trận đánh 'như phim' của cảnh sát hình sự Hà thành
Nghe tin tên tội phạm nguy hiểm đã bị tiêu diệt, người dân lao vào ôm hôn và bế thốc các trinh sát. Có cụ già bảo “từ hồi chống càn đến giờ, tôi mới thấy một trận đánh hay như thế”.
Ngày 6-10-1993 tại nhà số 27 phố Trần Khánh Dư, Hà Nội xảy ra vụ hai tên cướp xông vào nhà anh Phan Hồng Sơn cướp chiếc xe Dream. Trước khi trốn thoát, chúng ném lại quả lựu đạn khiến cháu Phạm Hồng Dương (4 tuổi), con anh Sơn, chết tại chỗ.
Ba ngày sau, tại khu vực Bồ Đề, Gia Lâm lại xảy ra vụ đối tượng dùng súng và lựu đạn khống chế cướp xe máy Astrea của anh Trần Hữu Hưng, cán bộ Xí nghiệp cầu 208 ở Gia Lâm.
18 ngày lần theo dấu vết bọn cướp, sau trận đấu súng nảy lửa kéo dài gần một tiếng đồng hồ, Trung “thộn” (tên thật là Nguyễn Quốc Trung, SN 1955, trú tại phố Thi Sách, quận Hai Bà Trưng), thủ phạm gây ra hai vụ cướp đã bị tiêu diệt.
Đại ca 17 tuổi
Chưa học hết lớp 10, Trung “thộn” đã nổi tiếng trong giới anh chị đất Hà thành khiến đám giang hồ số má phải nể. Cầm đầu một đám côn đồ suốt ngày lang thang ngoài đường gây sự đánh nhau, ngày 19-3-1972 Trung “thộn” cùng một số bạn bè đến rạp Mê Linh tìm một người tên Khánh “con” đang có mâu thuẫn với bạn hắn để trả thù. Nhưng khi gặp, nhận ra Khánh “con” là bạn của mình nên Trung “thộn” đứng ra dàn hòa và cả bọn đi tiếp.
Đến ngã tư Phố Huế - Nguyễn Công Trứ, thấy mấy thanh niên đang trêu ghẹo hai cô gái (một cô là người yêu của đối tượng trong nhóm), Trung “thộn” ngoắc lại hỏi: “Tại sao trêu gái?”. Một tên thấy vẻ mặt búng ra sữa của Trung “thộn” tưởng dễ bắt nạt nên vặc lại: “Mấy thằng ranh con muốn gì?” thì ngay lập tức, một kẻ trong nhóm Trung rút dao đâm ngay. Đồng bọn của Trung là Dương bồi thêm nhát nữa khiến nạn nhân chết sau đó.
Tại tòa, nhận mức án 20 năm tù, Trung “thộn” luôn khiến các giám thị đau đầu vì những trò quậy phá, đánh nhau mà hắn là thủ phạm chính. Trong quá trình thụ án, hắn đã hai lần trốn trại và liên tiếp gây ra những vụ cướp kinh thiên động địa.
Trở lại quá trình điều tra hai vụ cướp, đã gần 20 năm trôi qua nhưng đại tá Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát truy nã Công an Hà Nội - vẫn nhớ như in từng chi tiết.
Ông kể: “Hồi đó, tôi là Đội trưởng Đặc nhiệm - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội. Khi vụ trọng án xảy ra tại nhà anh Sơn, Giám đốc Công an thành phố triệu tập cuộc họp khẩn. Phòng Cảnh sát điều tra đảm nhiệm việc truy bắt thủ phạm, chúng tôi được giao nhiệm vụ trinh sát”.
Theo lời kể của bố mẹ cháu bé thì khi xông vào cướp, một tên có dọa: “Tao đang bị truy nã, không còn gì để mất. Nếu không đưa chìa khóa xe, tao bắn chết”.
Căn cứ vào mô tả nhân dạng và thông tin đối tượng tự nhận đang bị truy nã, Phòng Cảnh sát điều tra nhận định thủ phạm là đối tượng hình sự tên Hợi, vừa thụ án 10 năm tù về tội cướp tài sản, đang bị truy nã đặc biệt.
Khi trinh sát đưa ảnh Hợi cho nạn nhân nhận diện, họ đều khai trông hơi giống, vì vậy ban chuyên án càng chắc chắn với giả thuyết này. Một mặt, anh em Phòng Cảnh sát hình sự vẫn lần theo dấu vết thủ phạm theo chỉ đạo, mặt khác triển khai nhiều hướng.Hàng chục trinh sát dày dạn kinh nghiệm được tung vào các điểm nóng về an ninh trật tự để thu thập thông tin về hai tên cướp có vũ khí.
Đúng vào thời gian đó, ngày 27-9-1993 xảy ra vụ hai tên cướp dùng súng và lựu đạn uy hiếp anh Trần Hữu Hưng cướp xe Astrea tại xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội). Qua mô tả của nhân chứng, hai đối tượng này có hình dáng bên ngoài rất giống với những kẻ đã gây ra vụ ném lựu đạn sát hại con anh Sơn.
Vụ cướp như xát thêm muối vào vết thương đang nhức nhối trong lòng anh em hình sự và càng khiến dư luận hoang mang lo lắng. Hàng trăm đối tượng cộm cán đã được lên danh sách sàng lọc, nhưng tất cả đều có chứng cứ ngoại phạm.
Chuyên án tưởng đi vào ngõ cụt thì trinh sát thu thập được thông tin quý giá: Trung “thộn” mới trốn trại, bị Công an Lạng Sơn truy nã gắt gao, đang dạt về Hà Nội, thường xuyên mang theo người bốn quả lựu đạn và khẩu súng ngắn trong tư thế sẵn sàng nhả đạn.
“Đối tượng này thì tôi quá rành. Lần hắn trốn trại đầu tiên, khi mò về Hà Nội cùng với Từ Thủ Đô, một tay giang hồ khét tiếng tuyến Hà Nội - Lạng Sơn thời bấy giờ, mặc dù là dân tỉnh lẻ (Lạng Sơn) nhưng mỗi lần về Hà Nội ăn chơi, Từ Thủ Đô thường được đàn em tiền hô hậu ủng và giới giang hồ đón tiếp trịnh trọng.
Hồi đó tôi đang công tác tại Đội hình sự Công an quận Ba Đình, nhận được tin Từ Thủ Đô và Trung “thộn” đánh bạc ở khu Văn Miếu, tôi cùng vài trinh sát xuống ngay địa bàn, triển khai kế hoạch bắt giữ. Đến nơi chúng tôi nhìn thấy 2 tên tù trốn trại đi bộ trên vỉa hè, gần như cùng lúc chúng cũng phát hiện ra lực lượng truy đuổi nên ù té chạy.
Tôi nhận nhiệm vụ khống chế Từ Thủ Đô, những trinh sát còn lại bắt giữ Trung “thộn”. Chạy thật nhanh áp sát đối tượng, cách gần 2 mét tôi bay người lên đạp mạnh vào vai khiến Từ Thủ Đô ngã sấp. Trung “thộn” cũng bị tổ trinh sát quật xuống đất.
Khi bị ngã, thoáng thấy hắn ném một vật bay ra, khóa tay xong hai đối tượng, tôi quay lại tìm thì phát hiện đó là một đầu đạn cối 82. Cũng may, chắc do cú ném chưa đủ mạnh nên nó không nổ, nếu không sẽ khó tránh khỏi thương vong.
Nghe trinh sát báo cáo nghi vấn về Trung “thộn”, tôi nghĩ kẻ gây ra vụ huyết án phải có máu lạnh tương tự. Nhưng một tình tiết khiến những nghi ngờ này bị lung lay, đó là vợ chồng anh Sơn - bố mẹ nạn nhân sau khi nhìn ảnh Trung đã nói: Chỉ hơi giống thôi” - đại tá Hùng nhớ lại.
Với phương châm “còn một tia hy vọng cũng phải xác minh”, Nguyễn Thanh Hùng và đồng đội của mình nhận định Trung “thộn” mới trốn trại, vì thế có rất ít bạn. Về Hà Nội, hắn bắt buộc phải tìm đến những người quen cũ. Thế là anh em trinh sát lại một phen vất vả vì hồi trẻ đối tượng suốt ngày lang thang đầu đường xó chợ nên có nhiều mối quan hệ với đám giang hồ du thủ du thực.
Sau quá trình xác minh, sàng lọc kỹ, các anh đưa một người tên là Đỗ Trung Hào (ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), bạn khá thân của Trung “thộn” và cũng có vóc dáng trùng khớp với những gì nạn nhân mô tả, vào vòng ngắm. Đi sâu tìm hiểu, các anh biết trước đây Hào được giam chung với Trung “thộn” và Từ Thủ Đô. Khi trốn trại, Trung “thộn” rủ Hào lên Lạng Sơn lập băng cướp.
“Ngay lập tức chúng tôi lên Lạng Sơn xác minh. Được biết thời gian này tại địa phương nổi lên băng cướp gồm 9 tên, ra tay rất manh động và luôn mang theo súng, lựu đạn. Chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã gây ra 10 vụ cướp táo tợn. Sau nhiều nỗ lực, Công an Lạng Sơn xóa sổ được băng cướp, bắt giữ 7 tên, còn 2 tên bỏ trốn chính là Trung “thộn” và Hào. Một thông tin nữa cũng không kém phần quan trọng giúp xác định hung thủ là Hào có người chị lấy chồng ở Gia Lâm và là chủ lò gạch. Hôm xảy ra vụ cướp xe máy ở xã Bồ Đề có nhân chứng nhìn thấy hai thanh niên đi bộ từ đó ra. Có được thông tin này, chúng tôi càng tin tưởng vào nhận định Trung “thộn” và Hào là thủ phạm vụ án xảy ra ở phố Trần Khánh Dư nhưng anh em không dám rút dây động rừng” - đại tá Hùng kể.
Các trinh sát được lệnh mật phục xung quanh nhà Hào để thu thập tin tức và một “tai nạn” đáng tiếc đã xảy ra. Hồi đó, lính hình sự rất nổi tiếng về sự gan dạ và đám giang hồ hầu hết đều biết mặt nhớ tên. Hôm ấy, một trinh sát tên Sơn đang giám sát nhà Hào thì vô tình bị một nữ quái bạn của hắn nhìn thấy. Vừa gặp Hào, thị đã toang toác: “Không biết ở đây có vụ gì mà Sơn “số” đứng ngoài kia”.
Sau này, khi bắt Hào, cơ quan điều tra mới biết thời điểm đó Trung “thộn” đang ở trong nhà Hào, nghe ả kia nói hắn liền vòng ra cửa sau trốn mất. Khi đã thu thập đầy đủ bằng chứng, Phòng Cảnh sát hình sự quyết định triệu tập Hào lên làm việc.
Hai ngày đầu đối tượng thừa nhận có tham gia băng cướp ở Lạng Sơn, đến 3 giờ sáng thì hắn thú nhận cùng Trung “thộn” gây ra 2 vụ cướp nhưng tuyệt đối phủ nhận có liên hệ với Trung “thộn”.
Cái ác và sự trừng phạt
Đại tá Nguyễn Thanh Hùng nhớ lại: Trong khi hành tung của Trung “thộn” vẫn như bóng chim tăm cá thì một trinh sát nhớ tới chi tiết hắn từng tuyên bố với đám côn đồ “không bao giờ để công an bắt lần nữa, nếu bị bắt phải có vài người chết theo” rồi dạt đến chỗ Linh “ve” ở thôn Nam Ngạn, xã Trung Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Hy vọng lại lóe lên, anh em trinh sát thầm mong hắn mò đến đây nương náu. Linh “ve” là đệ tử ruột của Trung và Hào thời gian ở tù. Mãn hạn, Linh về nhà cùng vợ buôn bán trái cây tại địa phương.
Ngày 22-10-1993, tám trinh sát thuộc Đội Đặc nhiệm - Phòng Cảnh sát hình sự đến xã Trung Châu, bí mật giám sát nhà Linh “ve”. Một số người dân cho biết, cách đó vài hôm có một thanh niên ngoại hình giống Trung “thộn” đến đây và ở lỳ bên trong.
Có được thông tin này, toàn bộ đội đặc nhiệm gồm hơn 20 cán bộ, chiến sĩ chia làm 2 tổ bao vây quanh nhà Linh “ve”. Các trinh sát đóng vai người buôn vôi, kẻ buôn rau để tiếp cận, khép kín vòng vây.
Một trinh sát trong vai người bán dạo vào nhà Linh và xác định Trung “thộn” đi Bắc Ninh xem bói, hôm sau mới về. Sau này, vợ của Linh “ve” khai, sau khi xem bói, Trung “thộn” buồn lắm, thầy bói bảo hắn sắp có họa sát thân.
Xác định chính xác Trung “thộn” có mặt trong nhà Linh “ve”, tổ công tác định tập kích nhưng nhà Linh có 3 con chó dữ, hơn nữa vợ con Linh “ve” cũng có mặt ở đó, nếu tập kích sẽ không đảm bảo an toàn cho họ.
Anh em hình sự tiếp tục mai phục, khi thấy vợ con Linh “ve” ra khỏi nhà, các mũi đồng loạt ập vào. Trên chiếc giường đang buông màn, anh em sờ thấy còn ấm nhưng Trung “thộn” như có phép độn thổ.
Sau này, vợ Linh “ve” khai hôm đó nhìn thấy hai người lạ mặt ở gần bụi tre sau nhà nên đã báo với Trung “thộn” để hắn trốn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định Trung “thộn” không thể thoát ra ngoài vì vòng vây rất chặt. Cạnh bên là nhà ông Thái (chú ruột Linh) nên rất có thể Trung “thộn” đã lẩn sang đó. Anh em kiểm tra rất kỹ nhưng vẫn không thấy bóng dáng hắn đâu.
Nghe báo cáo, tôi khẳng định Trung “thộn” vẫn ở trong đó và yêu cầu kiểm tra lại. Khi trinh sát Nguyễn Trọng Ban cho biết: “Còn cái hòm gỗ trên gác xép chưa đụng đến vì rất nhỏ, người khó có thể nằm vừa”, tôi yêu cầu Ban trèo lên kiểm tra.
Nắp hòm vừa mở, một họng súng đen ngòm gí vào đầu Ban. Nhanh như cắt, đồng chí ngã người ra phía sau, viên đạn sượt qua trán, găm vào tường. Tôi rút súng bắn liền mấy phát.
Lúc này một quả lựu đạn từ trong hòm văng ra ngoài, tôi hô anh em nằm xuống và một tiếng nổ chát chúa vang lên. Sau đó, nghe tiếng chân di chuyển trên gác xép tôi biết Trung “thộn” chưa trúng đạn nên hô anh em rút ra sân.
Vừa đến nơi thì nghe tiếng “kịch”, quả lựu đạn thứ hai rơi ngay trước mặt, chỉ cách đầu tôi chừng 2m. nhưng thật may mắn vì nó không nổ. Tôi hô anh em rút ra ngoài, lúc này đồng chí Nguyễn Văn Quang áp sát cửa sổ phía ngoài ngôi nhà, còn Trung “thộn” đứng ở bên trong, hai người chỉ cách nhau một bức tường.
Mấy lần hắn giơ súng tìm cách bắn, tôi hô anh em dùng đạn bắn về phía Trung “thộn” để hắn không dám thò ra. Phải nói là lính đặc nhiệm hồi ấy được tập luyện rất kỹ nên anh em ai cũng giỏi võ và thiện xạ. Hàng chục loạt AK bắn thẳng về phía Quang nhưng không hề hấn gì.
Nghe tiếng Trung “thộn” thay ổ đạn mới, tôi hô Quang rút ra ngoài. Đồng chí Nguyễn Việt Chức, lúc đó là Đội phó Đội Đặc nhiệm, nay là Phó trưởng Công an quận Long Biên, chiếm lĩnh được độ cao và có tầm ngắm tốt xin được tiêu diệt Trung “thộn”. Tôi đồng ý nhưng hình như biết trước điều đó, hắn tập trung hỏa lực bắn về phía Chức, một viên găm vào bức tường cách trán đồng chí chỉ vài phân.
Lúc này chỉ còn mình tôi trong sân và sắp hết đạn, tôi lệnh cho anh em bắn hai loạt AK để có thời gian xin ý kiến đồng chí Dương Văn Đinh - nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự - cho ném lựu đạn cay và đồng chí Ban được lệnh lên đục lỗ trên mái nhà để nhét vào.
Đây là một việc làm vô cùng nguy hiểm vì nếu phát hiện ra, Trung “thộn” sẽ bắn về phía tiếng có người đục. Lúc này tôi nghĩ ra cách cho anh em ở dưới bắn đạn để át tiếng đục. Khi lựu đạn cay được ném vào, tôi lệnh cho anh em tập trung hỏa lực vào cửa chính vì biết chỉ sau vài phút không chịu được là Trung “thộn” phải vọt ra ngoài.
Hình như cũng đoán được chiến thuật của anh em nên hắn bay ra nhanh như cá vượt thác, một tay cầm súng, tay kia cầm lựu đạn đã rút chốt. Loạt đạn rền vang, một viên trúng cánh tay trái khiến Trung “thộn” rơi xuống, nằm đè lên quả lựu đạn và chết tại chỗ khi nó phát nổ, lúc đó là chiều 24-10-1993. Anh em chúng tôi vào nhà thì thấy một quả lựu đạn mắc trên dây buộc màn. Thì ra lúc chúng tôi vào nhà, Trung “thộn” ném ra hai quả chứ không phải một.
Lúc này người dân trong xã kéo đến rất đông. Nghe tin tên tội phạm nguy hiểm đã bị tiêu diệt, họ lao vào ôm hôn và bế thốc các trinh sát. Có cụ già bảo “từ hồi chống càn đến giờ, tôi mới thấy một trận đánh hay như thế”.
Về đến Hà Nội, chúng tôi tới nhà nạn nhân, thắp hương cho cháu bé và nói với vong linh cháu: “Các chú đã giữ đúng lời hứa, tìm ra kẻ thủ ác và tiêu diệt hắn để trả thù cho cháu rồi”.
Trận đấu súng ác liệt kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ nhưng không anh em nào bị thương, nhờ sự bình tĩnh, lòng quả cảm, mưu trí của anh em trong đội. Trực tiếp lâm trận nên tôi biết trong tất cả các trận đánh, nếu không có đủ bình tĩnh thì sẽ không có thắng lợi trọn vẹn”, đại tá Hùng kết luận.
Công an TP.HCM