Để tìm hiểu rõ hơn về “lý do” xây dựng trại lợn giống quy mô lớn trên địa bàn Tp.Hà Nội mà Tiền Phong số 112 (ra ngày 7/6/2005) phản ánh. PV báo Tiền Phong đã trao đổi với ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội kiêm Giám đốc Cty Giống gia súc Hà Nội, chủ đầu tư và ông Nguyễn Đăng Vang, Viện trưởng Viện Chăn nuôi.
Ngay sau khi trại lợn giống ông bà ở Kiêu Kỵ làm lễ khởi công đã có nhiều nhà khoa học phản đối bởi sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ông có biết việc này không?
Việc này tôi có biết, nhưng phát triển chăn nuôi là một chủ trương của thành phố Hà Nội trong việc phát triển “3 cây 3 con”, ba con ở đây là: lợn, bò sữa, nuôi trồng thuỷ sản.
Việc xây trại lợn giống này đã được các cơ quan ban ngành của thành phố thông qua và lựa chọn địa điểm ở xã Kiêu Kỵ, đây là nơi cách xa khu dân cư và xa trung tâm thành phố.
Ông có biết việc một số trại nghiên cứu của Viện Chăn nuôi quốc gia ở xã Thuỵ Phương (Từ Liêm) sẽ phải di chuyển đi nơi khác, trong khi đó bán kính trại lợn giống ông bà ở Kiêu Kỵ còn gần trung tâm Thủ đô hơn trại của Viện Chăn nuôi?
Tôi có biết việc này, nhưng việc di chuyển trại nghiên cứu lợn và gia cầm của Viện Chăn nuôi, chủ yếu là do dịch cúm gà là chính. Tôi khẳng định rằng trại lợn ông bà ở Kiêu Kỵ với công nghệ hiện đại hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn là nơi tham quan du lịch.
Diện tích xây dựng chuồng trại chỉ khoảng 5 ha, còn lại trồng cây xanh và hệ thống ao nuôi cá.
Việc xây dựng trại lợn giống này còn có một nguyên nhân bất khả kháng nữa là trại lợn 32 ha ở Cầu Diễn (Từ Liêm) thành phố thu hồi đất chuyển cho Trung tâm liên hiệp thể thao quốc gia, vì thế toàn bộ giống lợn gốc của Mỹ, Đại Bạch... sản xuất ra lợn giống bố mẹ ở đây khoảng gần 500 con sẽ chuyển về trại lợn Kiêu Kỵ.
Khi xây dựng dự án này các ông có tính đến tốc độ đô thị hóa và nguy cơ di chuyển trại lợn sau 5 - 10 năm nữa?
Hà Nội đã hết đất để xây dựng trại lợn giống kiểu như ở Kiêu Kỵ, ở Sóc Sơn có nơi xa trung tâm Thủ đô 60 km thì lại là rừng phòng hộ không thể xây dựng được, còn gần hơn lại là khu quy hoạch du lịch, chỉ còn ở mỗi Kiêu Kỵ là xa nhất, giáp Hưng Yên (hơn 10 km - theo đường chim bay tính từ trung tâm Thủ đô - PV).
Ngay cả các trại giết mổ gia cầm ở Hà Nội có nhiều ý kiến đưa xa ra khu dân cư, nhưng khó vì nếu đưa xa thì Hà Nội đã hết đất, mà ngoài tỉnh lại là dự án cấp Bộ phê duyệt. Ngay cả trại lợn cũng vậy, nếu không xây dựng thì Hà Nội phát triển chăn nuôi thế nào được!?
Lãnh đạo Bộ NN & PTNT đã có ý kiến về việc giảm đầu con giống để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, việc này có được thực hiện không, thưa ông?
Việc này không thuộc thẩm quyền của Sở mà phải xin ý kiến của thành phố. Trước mắt là xây dựng trại để chuyển đàn lợn giống từ Cầu Diễn về rồi tính sau...
Nên thận trọng vì mùi phân bay rất xa
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT), ĐB Quốc hội, Phó Ban nông - lâm - ngư, ủy ban KHCN MT Quốc hội cho biết: Tôi đã có ý kiến về việc phải hết sức thận trọng khi xây dựng trại lợn giống ở Kiêu Kỵ trong một buổi họp với Sở KH CN & MT Hà Nội cách đây vài tháng.
Cũng khá bất ngờ khi được biết trại lợn vẫn được xây dựng. Dù có được xây dựng với công nghệ hiện đại thế nào thì cũng phải hết sức thận trọng vì ở trong đất của Thủ đô, ở nước ngoài không bao giờ có chuyện này.
Quy mô 1000 con lợn giống thì lượng phân thải ra rất lớn (khoảng 2000 kg phân/ngày), nếu gặp chiều gió thì mùi phân sẽ tỏa đi rất xa. Liệu công nghệ biogas mà trại xây dựng có chịu được không?