Trả nợ bằng hơn 400 con gà

Một chủ trang trại tại Vĩnh Phúc trả nợ 50 triệu đồng tiền thức ăn gia súc bằng gà. Chủ đại lý đang phải loay hoay tìm mối bán buôn.
Nhiều người kinh doanh thức ăn gia súc phải nhận nợ bằng cả đàn gà. Ảnh: ĐBND

Chị Hằng là chủ một đại lý kinh doanh thức ăn gia súc lớn tại Vĩnh Phúc từ nhiều năm nay. Đặc điểm của việc kinh doanh mặt hàng này là khách hàng thường nợ từ đầu đến cuối lứa chăn nuôi, khi nào bán được gia súc mới thanh toán. Gần đây, chủ một trang trại nợ hơn 50 triệu đồng tiền hàng đến kỳ trả không có nên đề nghị được thanh toán bằng gà.

"Giá gà lại đang rẻ vì có dịch cúm. Khách hàng cũng chưa bán được để thanh toán tiền cho mình", chị Hằng cho hay.

Giá gà hiện nay khoảng 80.000 đến 90.000 đồng một kg, nếu trừ nợ thì chị phải "ôm" khoảng 6 tạ, tức là tầm hơn 400 con. Nếu không chấp nhận cách thanh toán này, chị cũng chưa biết khi nào mới đòi được nợ, trong khi lại không thể tính lãi khoản tiền đó. Bà chủ này đành ngậm ngùi gọi điện cho một số đầu mối buôn gà tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận để tìm đầu ra cho số gà trên.

"Đang có dịch cúm gia cầm, việc vận chuyển bị kiểm dịch chặt chẽ hơn nên các đầu mối đều chưa nhận lời. Nếu có thì giá cũng bị ép xuống thấp, coi như bán để thu hồi vốn chứ cũng không mong lãi lời gì", chị Hằng cho hay.

Từ khi kinh doanh mặt hàng thức ăn gia súc, chị Hằng thường xuyên phải nhận "sản phẩm" như ngan, gà, vịt, thịt lợn... để khấu trừ nợ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bà chủ này bị "ép" nhận nợ với số tiền lớn như vậy.

Không chỉ với những người kinh doanh nhỏ, nhiều công ty cũng phải chấp nhận hình thức thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng hiện vật. Chị Quỳnh, phụ trách kinh doanh một công ty quảng cáo cho biết, việc khách hàng trả chi phí bằng hiện vật không phải chuyện lạ. Tuy nhiên, nếu như trước đây, chỉ những khách hàng vừa và nhỏ, gặp khó khăn về tài chính mới áp dụng cách này thì nay, một số "đại gia" cũng đem sản phẩm ra để trả nợ.

"Họ dùng từ phiếu mua hàng, bếp gas, thậm chí là ôtô... để thanh toán tiền quảng cáo. Trị giá số tiền nợ trong hợp đồng dao động từ vài chục đến vài trăm triệu. Có những trường hợp mình không muốn nhận, nhưng họ nói không còn tiền mặt để trả nữa cũng đành chịu", chị Quỳnh cho hay. Để giải quyết số hàng được trả, chị phải tìm cách bán cho cán bộ, công nhân viên trong công ty hoặc thanh lý.

Theo Ngọc Tuyên

Theo VnExpress