Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngày 20/5, Thành phố xác định một ca nghi nghiễm. Đó là người đàn ông 63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp (TPHCM) có triệu chứng điển hình của COVID-19 là sốt, khó thở, đau họng, mất vị giác… Đồng thời đã tiến hành chụp X-quang, xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
“Bệnh nhân cũng được xét nghiệm lại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho kết quả dương tính yếu. Xét nghiệm lại ngày hôm sau cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, TPHCM coi trường hợp này là trường hợp nghi nhiễm để triển khai các biện pháp phòng dịch” - ông Bỉnh nói.
Cũng theo ông Bỉnh, có thể đây là trường hợp bị nhiễm lâu trước đây, và khi phát hiện là đang ở giai đoạn cuối của bệnh, hoặc như các trường hợp bị nhiễm và tái dương trước đây. Ngành y tế sẽ tiến hành xét nghiệm lại các trường hợp tại con hẻm 954 Quang Trung, Gò Vấp, bởi khu vực này có quán cơm rất đông người qua lại.
Ngày 25/5, ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, liên quan đến ca nghi ngờ cư trú tại quận Gò Vấp, HCDC đã truy vết và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan. Có 32 trường hợp tiếp xúc, 232 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm mở rộng. Đến nay tất cả 264 trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tính từ ngày 18/5 đến nay, Thành phố ghi nhận 2 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. 1 chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở quận 3 với hai bệnh nhân (BN) là 4514, 4583. Kết quả giải mã bộ gen của virus cho thấy 2 bệnh nhân này có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ). Tất cả mẫu xét nghiệm tiếp xúc, xét nghiệm mở rộng liên quan đã có kết quả âm tính.
Chuỗi lây nhiễm tại một quán ăn ở quận 3 gồm các bệnh nhân: BN4780, BN4781, BN4782, BN5392 và mới ghi nhận thêm một trường hợp nghi nhiễm là F1 của BN4780 đã được cách ly từ trước. Ca nghi nhiễm này là nữ, sinh năm 1984, cư trú tại Quận 3, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối. Kết quả giải mã bộ gen vi rút trên BN4780 cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh).
Đối với chuỗi này, Thành phố truy vết 804 trường hợp tiếp xúc khác trong đó 783 có kết quả xét nghiệm âm tính, 21 đang chờ kết quả. Mở rộng xét nghiệm liên quan chùm ca bệnh này cho 1.019 người, tất cả đều âm tính.
Kịch bản cách ly tập trung 30.000 người
Theo HCDC, TP HCM có 72 khu cách ly tập trung đang hoạt động, có thể tăng thêm 10 khu nữa, sẵn sàng cho phương án 30.000 người phải cách ly tập trung.
Cụ thể, Thành phố có 2 khu cách ly tập trung của quân đội, 5 khu cách ly cấp thành phố, 23 khu cách ly cấp quận huyện và 42 khách sạn cách ly có thu phí, với tổng công suất 10.481 giường.
Đề phòng tình huống dịch lan rộng và phức tạp, ngành y tế đã chuẩn bị thêm 10 cơ sở cách ly tập trung khác, gồm 9 khu quân đội và một ký túc xá của Đại học Quốc gia, với tổng công suất 19.520 giường. Như vậy, TPHCM đủ khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người.
Bên cạnh việc tăng năng suất giường cách ly tập trung, thành phố đã tổ chức hơn 600 đội lấy mẫu từ các bệnh viện, trung tâm y tế và lực lượng sinh viên y khoa. Trong tình huống khẩn cấp có thể huy động lấy 100.000 mẫu bệnh phẩm trong 24 giờ.
Hiện, 23 đơn vị y tế của thành phố và trung ương đóng chân trên địa bàn đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Tổng công suất xét nghiệm đạt 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể tăng công suất lên tối đa 35.000-40.000 mẫu đơn trong 24 giờ.