Tổng thống Mỹ Biden có thể thay đổi toan tính với Nga trong những ngày cuối nhiệm kỳ

TPO - Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc áp các biện pháp mạnh tay nhằm vào ngành năng lượng của Nga, Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden còn tại nhiệm chưa đầy 1 tháng nữa. (Ảnh: Washington Post)

Các nguồn tin giấu tên cho biết, đòn chốt hạ trong cuộc chiến tài chính chống lại Nga có thể sẽ tạo thêm quyền mặc cả cho chính quyền kế nhiệm của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong các cuộc đàm phán với Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Ukraine.

Theo một số nguồn tin nắm được tình hình, các lệnh trừng phạt mới dự kiến sẽ nhắm vào "đội tàu trong bóng tối", gồm những con tàu quốc tế chở dầu của Nga đến các quốc gia ngoài phương Tây, đồng thời nhắm vào các nhà xuất khẩu dầu của Nga. Chính quyền Tổng thống Biden cũng cân nhắc biện pháp thu hồi giấy phép của những ngân hàng xử lý các giao dịch năng lượng của Nga.

Nếu được áp dụng, biện pháp này sẽ định hình di sản chính sách kinh tế và đối ngoại của Tổng thống Biden trước lễ nhậm chức của ông Trump. Một bước đi lớn chống lại Nga trước khi rời nhiệm sở sẽ củng cố tuyên bố của Tổng thống Biden, rằng ông có công tập hợp các đồng minh phương Tây để phản ứng mạnh mẽ với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong 2 năm rưỡi kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, Nhà Trắng luôn thận trọng với việc trừng phạt quá mạnh ngành năng lượng Nga vì không muốn để giá dầu toàn cầu tăng sốc, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân Mỹ. Nhưng tình hình lạm phát hiện nay đã giảm nhiều so với mấy năm trước và cuộc bầu cử đã kết thúc, vì thế Tổng thống Biden có thể muốn thay đổi phép tính chính trị.

Những người ủng hộ bên ngoài cho rằng Tổng thống Biden nên siết thắt chặt hơn nữa ngành năng lượng của Nga và lo ngại không còn nhiều thời gian để làm điều đó.

Nhà nghiên cứu Edward Fishman kêu gọi Tổng thống Biden nhắm vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga trong 2 tháng cuối của nhiệm kỳ. "Cuộc bầu cử đã kết thúc và lạm phát đã được kiểm soát. Những lý do để thận trọng với các lệnh trừng phạt không còn nữa" - ông Fishman nói.

"Chính quyền Biden đã lo lắng về nguy cơ giá xăng tăng quá cao và lạm phát ngày càng tồi tệ. Đó là hạn chế quan trọng nhất trong chính sách trừng phạt của họ với Nga”, Edward Fishman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia, nhận xét.

Nhiều dư địa

Mỹ và các đối tác châu Âu đã chi hàng trăm tỷ đô la hỗ trợ cho Kiev, đồng thời áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt các ngân hàng, công ty quốc phòng, nhà sản xuất công nghiệp và nhiều công ty khác của Nga.

Những lệnh trừng phạt đó gây tác động ngày càng mạnh. Theo dữ liệu chính thức của chính phủ, lạm phát hằng năm ở Nga sẽ tăng lên hơn 9%, với khả năng suy thoái vào năm tới. Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 21%.

Tuy nhiên, ngành năng lượng của Nga chỉ bị ảnh hưởng một phần, vì thế vẫn giúp Mátxcơva giữ được nguồn thu để duy trì chiến dịch quân sự và giảm thiệt hại kinh tế trong nước. Khoảng 1/3 - 1/2 nguồn thu ngân sách của Nga đến từ việc bán dầu và khí đốt.

S&P Global cho biết trong báo cáo đưa ra vào tháng 1 rằng Nga thu về khoảng 100 tỷ USD từ việc bán dầu khí trong năm 2023.

"Mục tiêu của đợt trừng phạt mới phải là giảm 2 chữ số trong doanh thu xuất khẩu của họ, trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng", Peter Harrell, cựu giám đốc cấp cao về kinh tế quốc tế của chính quyền Biden và hiện là thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng dù chính quyền Biden triển khai biện pháp mạnh, Nga vẫn giữ được nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu năng lượng.

Một quan chức cấp cao của chính quyền đương nhiệm cho rằng đây là nỗ lực cần thiết để đảm bảo rằng Ukraine đạt “vị thế tốt nhất có thể” để tự bảo vệ họ và bước vào bàn đàm phán hòa bình theo các điều khoản “công bằng”.

“Hành động này sẽ là một bước tiến nữa hướng tới mục tiêu đó”, vị quan chức giấu tên cho biết.

Nga vẫn tiếp tục tìm kiếm các thị trường xuất khẩu ngoài phương Tây để vượt qua biện pháp giá trần, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Thị trường năng lượng toàn cầu hiện nay giúp Tổng thống Biden có nhiều dư địa hơn để thắt chặt biện pháp trừng phạt.

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế đưa ra dự báo ​​nguồn cung sẽ vượt cầu trong năm tới, khi Mỹ, Canada và các quốc gia khác tăng sản lượng khai thác. Giá xăng hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất năm 2022. Ít chuyên gia tin rằng giá dầu sẽ tăng vọt nếu xảy ra một cú sốc lớn đối với ngành năng lượng Nga.

"Nếu [gói trừng phạt] thực sự sẽ loại một số lượng dầu Nga khỏi thị trường, chắc chắn sẽ có một chút tác động đến giá toàn cầu, nhưng tôi nghĩ tác động sẽ không lớn”, Washington Post dẫn lời một chuyên gia trong ngành cho biết.

Tuy nhiên, các trợ lý của Tổng thống Biden cho biết ông vẫn muốn giữ nền kinh tế Mỹ ở trạng thái tốt nhất trước khi ông rời nhiệm sở. Một yếu tố nữa là cả Tổng thống Biden và ông Trump đều tuyên bố sẽ khống chế doanh số bán dầu của Iran, từ đó có thể đảo ngược dự đoán về mức dư thừa năng lượng.

"Dù nhiều yếu tố hiện nay tạo điều kiện cho Tổng thống Biden và chính quyền kế nhiệm thắt chặt trừng phạt Nga và Iran, nhưng dư địa đó không phải là vô hạn", Bob McNally, chủ tịch hãng phân tích chính sách thị trường năng lượng và địa chính trị Rapidan Energy Group, nhận định.

Khi nhiệm kỳ của Tổng thống Biden sắp kết thúc, nhắm vào Nga có thể vẫn là ưu tiên hàng đầu.

“Rõ ràng năng lượng vẫn là nguồn thu lớn nhất của Nga để duy trì chiến dịch quân sự. Việc Mỹ thắt chặt trừng phạt ngành này của Nga chắc chắn sẽ được nhiều bên ủng hộ và khép lại chiến dịch trừng phạt của chính quyền Biden đối với Mátxcơva”, ông Harrell nói.

Theo Washington Post