Ngày 10/11, khi được PV Tiền Phong đề cập về việc có kiểm tra các thiết bị điện tử như điện thoại (Huawei, Xiaomi...) để ngăn chặn hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam không, Tổng Cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, đầu tuần tới sẽ họp và có ý kiến.
Trước đó, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết: Sẽ kiểm tra 100% ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc diện nghi vấn cài cắm “đường lưỡi bò” ở phần mềm định vị dẫn đường trên xe. Lực lượng chức năng đang rà soát để triển khai kế hoạch chỉ đạo cục hải quan các địa phương kiểm tra toàn bộ điện thoại nhập khẩu từ Trung Quốc (như Huawei, Xiaomi...) để ngăn chặn hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Hùng Anh, trong tháng 11 sẽ ban hành văn bản kiểm tra 100% ôtô, điện thoại… xuất xứ Trung Quốc có nghi ngờ cài cắm bản đồ định vị có đường lưỡi bò.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng qua có khoảng 4.000 ô tô Trung Quốc nhập vào Việt Nam, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết xe Trung Quốc vào Việt Nam là xe tải, giá trung bình khoảng 930 triệu đồng/chiếc. Còn các loại xe dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam số lượng khiêm tốn và không được tiêu thụ nhiều, giá trung bình dưới 700 triệu đồng, bao gồm nhiều mẫu xe đa dụng (SUV) và xe truyền thống (sedan).
Xe nhập từ Trung Quốc về Việt Nam từ 2016 đến 2017 chủ yếu là xe tải như Hovo, JAC, FAW, Dongfeng…Đây là những loại xe tải siêu trường, siêu trọng.
Mặc dù có giá rẻ, hình dáng đẹp song xe Trung Quốc hiện vẫn không được lòng khách Việt Nam do nghi ngại về chất lượng. Bên cạnh đó, “cú phốt” đưa “đường lưỡi bò” vào bản đồ định vị vệ tinh của chiếc xe, các hãng xe Trung Quốc đã tự làm khó nhà phân phối của mình ở Việt Nam và tạo thêm ấn tượng xấu đối với người tiêu dùng Việt.
Doanh nghiệp nghi bị chơi xấu
Trong một diễn biến khác, ông Phạm Quốc Vũ, Giám đốc Cty THHH Ô tô Hoa Mai (An Dương, Hải Phòng) - doanh nghiệp đang bị tạm giữ 7 ô tô Hanteng nhập từ Trung Quốc về để điều tra cho biết, họ không hề hay biết trong lô hàng 12 xe lại có 7 xe gắn bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp.
Theo ông Vũ, gần một năm trước, công ty ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc nhập 12 chiếc xe hiệu Hanteng về để làm mẫu.
Đến thời điểm này, Cty Hoa Mai không có hợp đồng nào ký với đối tác phía Trung Quốc để nhập xe nguyên chiếc mà chỉ nhập linh kiện về để lắp ráp.
Khi được hỏi tại sao nhập xe về làm mẫu nghiên cứu mà nhập tới 12 chiếc, ông Vũ cho hay: “12 xe thuộc 4 mẫu khác nhau, trong đó có cả ô tô điện”.
Về việc xử lý số xe trên, theo ông Vũ, công ty đang phối hợp với Hải quan để xử lý theo quy định, có thể công ty sẽ trả lại xe cho đối tác bên Trung Quốc, đòi lại tiền.
Ông Vũ khẳng định, để tránh xảy ra trường hợp tương tự, công ty sẽ có những điều khoản quy định chặt chẽ hơn, kiểm soát kỹ hơn, không nhập bất cứ thiết bị, linh kiện, ấn phẩm hướng dẫn hoặc tem mác nào nếu xuất hiện bản đồ “đường lưỡi bò”.