Quê tôi ở ngã ba Tuần, thuộc xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nơi đây có những con đường chiến lược để các đoàn quân đi vào Trường Sơn. Ở ngã ba Tuần có quán nước quân nhân của bà nội tôi (Tôn Nữ Thị Hà) và bà Nguyệt - bạn thân của bà, thời chiến tranh đã đón vạn chàng trai cô gái đi vào chiến trường. Họ được quán nước quân nhân tặng những bình tông nước chè miễn phí và cả nước muối để ngâm chân.
Mẹ tôi kể: “Năm 1972, vào một buổi chiều tối, tiếng kẻng báo động vang khắp nơi sau trận bom của địch. Khắp các làng quê đều vang tiếng kêu gọi: Dân quân mau mau ra cứu các cô thanh niên xung phong!”.
Anh Nguyễn Văn Quỳnh, cựu chiến binh, là con bác tôi, nhân chứng sống về sự kiện. Anh kể lại: “Thường thì xe chở bộ đội, thanh niên xung phong đi qua ngã ba Tuần lúc trời tối, riêng hôm ấy trời mây mù nhiều nên xe đến sớm quá, đúng lúc máy bay địch kéo tới. Mấy chiếc xe chở các cô thanh niên xung phong bị trúng bom”.
Anh Nguyễn Văn Quỳnh nhớ lại: “Khi ấy tôi là dân quân của xã trực tiếp đưa các cô thanh niên xung phong vào sân kho để sơ cứu. Có nhiều người bị thương được cứu sống nhưng trong đêm ấy. Tôi nhớ 8 cô nữ thanh niên xung phong và một anh bộ đội lần lượt hy sinh”.
Những người hy sinh được dân quân chôn cất theo một dãy hàng ngang trên quả đồi lúp xúp. Anh Nguyễn Văn Quỳnh kể: “Thời đó chiến tranh ác liệt nên sau khi làm công tác tử sĩ, đơn vị thanh niên xung phong lập tức đi vào Nam làm nhiệm vụ. Chúng tôi chỉ nhớ loáng thoáng đó là một đơn vị thanh niên xung phong thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng”.
Quả đồi ấy cỏ cây mọc um tùm, che khuất đi những ngôi mộ. Đơn vị tăng thiết giáp 215 được giao về đóng quân trên quả đồi. Chuyện kể rằng một đêm người chỉ huy nằm mơ có thấy mấy cô gái hiện ra nói: “Đồng chí ơi! Chúng tôi là thanh niên xung phong hy sinh. Các đồng chí hãy cẩn thận khi xây dựng doanh trại nhé!”. Sáng ra, người chỉ huy lữ đoàn cùng anh em vào khu vực máy ủi chuẩn bị san lấp mặt bằng và phát hiện ra một dãy mộ liệt sĩ nằm trong lùm cây. Họ làm việc với địa phương và di dời các cô ra nghĩa trang của dân nằm trên đồi Ga, nơi đoàn xe bị trúng bom năm xưa.
Tròn 50 năm đã qua nhưng ký ức vẫn còn nguyên vẹn đó. Anh Nguyễn Văn Quỳnh đưa tôi lên khu nghĩa trang mà đơn vị bộ đội xây cho các cô thanh niên xung phong. Họ vẫn nằm đó, 9 ngôi mộ, không tên tuổi, chỉ được đánh số từ 1 tới 9.
Chúng tôi liên hệ với Ủy ban xã Quỳnh Châu thì được biết: “Chiến tranh qua đi đã lâu, hiện xã không còn giữ tài liệu gì về sự kiện đoàn xe chở thanh niên xung phong bị đánh bom”.
Bạn tôi là anh Lê Gia Quang, Trưởng phòng thương binh xã hội của huyện Nghĩa Đàn - là địa bàn giáp ranh nơi xảy ra trận đánh, cũng nhiều lần liên lạc với các đồng nghiệp và các anh chị huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nhưng hiện chưa tìm ra được đơn vị của các nữ thanh niên xung phong nằm lại ở ngã ba Tuần.
Cách đây vài hôm, tôi liên lạc với đồng chí Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 215 thì được anh cho biết: “Đơn vị chúng tôi chuyển về đây sau trận đánh ấy khá lâu, nên anh em đơn vị không rõ tên tuổi địa chỉ các cô. Hàng năm đơn vị đều làm lễ tưởng niệm các anh chị. Riêng dịp 27/7/2022 chúng tôi đã làm một con đường bê tông rộng 3 mét đi lên nghĩa trang thanh niên xung phong để tiện cho bộ đội và nhân dân lên thắp hương”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua và 8 nữ thanh niên xung phong Hải Phòng ấy vẫn nằm lại trên ngã ba Tuần quê hương tôi trong những ngôi mộ đánh số. Cũng có lẽ ngần ấy năm hàng chục gia đình của họ miệt mài tuyệt vọng đi tìm mộ con gái mình.
Nhân dịp 27/7, ngày thương binh liệt sĩ, những người lính lữ đoàn tăng thiết giáp, những người dân quân ngã ba Tuần và cá nhân người viết bài này nữa, tất cả vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ tìm được tên tuổi và gia đình của 8 nữ thanh niên xung phong và một chiến sĩ bộ đội đã hy sinh trong buổi chiều năm 1972 ấy trên mảnh đất khốc liệt này.