Tổ hợp khoáng nóng 5 sao Lynn Times Thanh Thủy, Phú Thọ được mệnh danh là "Vùng đất chữa lành", nơi phục hồi thương tổn, hướng đến sự cân bằng, phát triển mạnh toàn vẹn và tự do của “Tâm - Thân - Trí”. Bên cạnh những dòng khoáng nóng, không gian mở ngập tràn thiên nhiên, thưởng thức văn hóa trà đạo Nhật Bản cũng là một cách tuyệt vời để gột rửa tâm trí, tìm đến sự thanh tịnh trong chốn yên bình.
Giữa khu vườn Nhật mướt xanh, ngập tràn ánh sáng tự nhiên là trà thất được Lynn Times Thanh Thủy phục dựng theo nguyên bản, trang nhã và nghiêm cẩn. Để lại geta (guốc gỗ Nhật Bản) và bước vào, tất cả như bỏ lại mọi ưu tư, phiền muộn bên ngoài bậc thềm, sau đó đắm mình trong sự tĩnh lặng. Nơi ấy chỉ có tiếng sôi reo của ấm gốm trên okiro (bếp lò).
Khác với văn hóa trà Trung Hoa, chanoyu (trà đạo Nhật Bản) gắn liền với thiền và đề cao bốn yếu tố: Hòa - Kính - Thanh - Tịnh. Trong buổi chiều xuân, bên lề chương trình Chủ Nhật Đỏ được tổ chức tại Lynn Times Thanh Thủy, Kim Trà My, Á khôi 1 Hoa khôi thanh lịch 2023 và Nông Thúy Hằng, Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022, đã có khoảng thời gian trải nghiệm tuyệt vời trong trà thất. Họ tìm thấy sự hòa hợp với khung cảnh, nói cách khác, tâm cảnh hợp nhất, bày tỏ sự tôn kính, đồng thời nhận lại điều đó từ trà sư, tận hưởng sự thanh khiết từ chawan (chén trà) và tìm thấy sự an yên trong tịch lặng.
Ở nơi bình yên ngự trị, hai người đẹp được cảm nhận nghi thức thanh tẩy trà cụ một cách tỉ mỉ và cẩn trọng của trà sư, ngắm nhìn cách lấy trà ra từ matsume (hũ trà) bằng chashaku (muỗng xúc trà). Sau đó, bằng đôi bàn tay khéo léo, trà sư dùng chasen khuấy trà, làm bông bọt và tạo nên một chén trà hoàn hảo.
Thưởng thức trà cũng là cả nghệ thuật. Trà sư đưa chén tới hai người đẹp, với mặt chính của chén xoay về phía họ. Để biểu thị sự tôn kính, Kim Trà My và Nông Thúy Hằng xoay lại mặt chính về phía trà sư, nâng chén và thưởng thức từng ngụm nhỏ trước khi lau cẩn thận miệng chén và xoay trả chén về vị trí cũ.
Còn nhớ Sen no Rikyu, trà sư có ảnh hưởng sâu sắc đến trà đạo Nhật Bản, trong nghi lễ trà lần cuối đã để lại những vần thơ tuyệt diễm, rằng “Chào ngươi/ Ôi thanh gươm vĩnh hằng/ Quán tưởng Phật đà/ Quán tưởng Đạt ma/ Ngươi có chìa khóa đi vào đại đạo”.
Không chỉ là uống trà, trà đạo Nhật Bản được nâng tầm thành một thứ nghệ thuật đặc sắc, một nghi lễ gột rửa tâm hồn và chữa lành bản thân.