Đó là thông tin tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới” do Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 19/11.
Cung cấp thông tin tổng thể về hiện trạng và quy hoạch hệ thống hồ chứa thủy lợi tại Việt Nam, Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, hiện cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.
Hiện, các hồ chứa thủy lợi “gánh” trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu. Tuy nhiên, hệ thống hồ, đập của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Mưa lũ bất thường, lũ quét do biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình đã xuống cấp đứng trước nguy cơ lớn về an toàn.
Với những tác động đó, công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, nguồn nước đến hồ còn hạn chế là một trong những khó khăn lớn khi chưa phối hợp tổ chức bộ máy quản lý, khai thác; đồng thời hiện đại hóa quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn đập…
Cải thiện hệ thống để đảm bảo an toàn cho hồ đập
Trước những thách thức kể trên, theo Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), cùng với an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa được xác định là vấn đề quan trọng của quốc gia.
Theo TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, an toàn đập cần gắn với an toàn hạ du, cụ thể là xây dựng hệ thống cảnh báo, hệ thống bản đồ ngập lụt và dựa vào cộng đồng. Song song đó, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh việc nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là khả năng xuất hiện mưa bão cường độ cao, hay sự dịch chuyển thời gian mưa.
“Đảm bảo an toàn đập phải gắn với khái niệm quản lý lũ theo lưu vực sông, quản lý vận hành liên hồ chứa, quản lý vận hành thời gian thực”, TS Hoàng Văn Thắng chia sẻ về nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo các cấp, cũng như năng lực của các đơn vị hỗ trợ cơ quan chỉ đạo.
Nhiều cấp quản lý cho rằng, trong tình hình mới hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quan trắc tự động và các công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành…
Trên cơ sở mong muốn tháo gỡ những khó khăn, ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho rằng đây là dư địa để các nguồn lực xã hội hóa về khoa học, công nghệ có thể đóng góp, giúp ổn định cuộc sống người dân. Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cũng khẳng định sẽ sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT, Chính phủ xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện thể chế, chính sách về quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi; hiện đại hóa hệ thống quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa thủy lợi; rà soát.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du, lòng hồ chứa thủy lợi; rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả, đa mục tiêu hồ chứa thủy lợi.