Tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Nhiều doanh nghiệp kêu khó

TP - Gói 40.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị quyết số 31 của Chính phủ có thể gọi là “phao cứu sinh” để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng sau hơn 5 tháng triển khai, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, họ rất khó tiếp cận gói này.

Sau hơn 5 tháng triển khai gói 40.000 tỷ đồng, các DN ở Bình Dương cho biết, vẫn khó tiếp cận.

Ngân hàng giải ngân vốn cho DN ở Bình Dương vay gói hỗ trợ lãi suất Ảnh: H.C

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - cho biết, các DN bị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, 2021 và có khả năng phục hồi trong năm 2022, 2023 thuộc đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, đa số DN ngành gỗ hoạt động ổn định và tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, 2021. Năm 2022, hoạt động của nhiều DN ngành gỗ bị suy giảm nghiêm trọng và bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành xuất khẩu nhưng lại khó đáp ứng điều kiện để được hỗ trợ lãi suất từ gói trên. “Để tháo điểm nghẽn này, chúng tôi đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để các ngân hàng thương mại linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN”, ông Liên cho hay.

Ông Lê Thanh Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tôn Đại Thiên Lộc - cho biết, DN chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất dù thuộc đối tượng được hỗ trợ. Công ty và bản thân ông Nghĩa từng liên hệ với rất nhiều ngân hàng để đề nghị được vay vốn ưu đãi, thực hiện dự án nhưng đến nay chưa được giải quyết, dù DN hoạt động hiệu quả, lịch sử thanh toán tốt.

Không chỉ ngành gỗ, thép…, các DN trong lĩnh vực dệt may cũng khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương Phan Lê Diễm Trang, các DN gặp khó khăn mới tìm đến gói này. Tuy nhiên, phía ngân hàng buộc DN phải cam kết có khả năng phục hồi trong tương lai. “Yêu cầu của bên cho vay khiến các DN có tâm lý e ngại vay vốn, chưa kể, nhiều ngân hàng cũng không mặn mà cho vay theo diện này vì sợ rủi ro”, bà Trang nói.

Ngân hàng, DN đều lo ngại hậu kiểm

Trao đổi với PV Tiền Phong, đề cập gói hỗ trợ này, đại diện một số ngân hàng ở Bình Dương đều cho rằng, bản thân các ngân hàng đã nỗ lực thực hiện nhưng gặp không ít khó khăn. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại còn cho biết, các ngân hàng thương mại khác cũng đang e ngại cho vay vì lo rủi ro và những hệ lụy có thể xảy ra sau này. Đơn cử, năm 2009, khi các ngân hàng triển khai cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất tương tự, khá nhiều khoản vay đã được giải ngân nhưng sau này không quyết toán được. Có trường hợp quyết toán xong, khi kiểm toán, cơ quan thanh tra, NHNN không chấp nhận, khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Bình Dương, đến nay tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 trên địa bàn mới đạt hơn 455 tỷ đồng. Lĩnh vực cho vay chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi. Kết quả trên còn hạn chế, chưa đạt kỳ vọng. NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương đã kiến nghị NHNN Việt Nam xem xét, tháo gỡ các vướng mắc.

Ông Trần Ngọc Linh - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Bình Dương - cho biết, nguồn hỗ trợ lãi suất cho các DN được trích từ ngân sách Nhà nước, quá trình triển khai phải bảo đảm vừa hỗ trợ được DN, vừa có thể quyết toán được với ngân sách. “Nếu thực hiện không đúng đối tượng, quy định thì ngân hàng có nguy cơ gánh nợ xấu và phải chịu trách nhiệm”, ông Linh chia sẻ.

Giải thích thêm về khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất, ông Phạm Quang Huy - Giám đốc Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) chi nhánh Bình Dương - cho biết, theo quy định, nếu mã ngành là sản xuất thức ăn chăn nuôi thì DN được hỗ trợ lãi suất, còn mã ngành là thương mại thức ăn chăn nuôi thì không được hỗ trợ. “Ngay cả DN vay vốn cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước vì phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, ông Huy cho hay.