Tiếp bê bối tài chính ở Trường Chính trị tỉnh An Giang

TP - Sau khi Tiền Phong ngày 14 và 15-2 có bài phản ánh những bê bối tài chính ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (Trường Chính trị TĐT) của tỉnh An Giang, nhiều cán bộ công chức của trường đã cung cấp thêm thông tin cho Báo.

>> Tiền cho thầy và thầy chia tiền

Theo đó, trong “báo cáo tổng kết năm” của Trường Chính trị TĐT nhiều năm qua không hề đề cập vấn đề tài chính. Như các báo cáo năm 2008, 2009, 2010 chỉ nêu kết quả mở lớp và những thành tích về công tác lãnh đạo tư tưởng mà không có dòng nào công khai kết quả thu chi tài chính. Trong khi đó, tiền thu chi hằng năm ở trường khá lớn và luôn là nỗi bức xúc của cán bộ công chức. Bởi mỗi khi hé lộ, đều phát hiện dấu hiệu làm sai và đặc quyền đặc lợi.

Ngoài việc liên kết với các huyện và ban ngành mở lớp, thu về trường nhiều tỷ đồng để ngoài sổ sách và chia cho 4 người trong Ban giám hiệu khoảng 30%, Ban giám hiệu còn hưởng từ ngân sách tiền gọi là “vượt giờ” mỗi người một tháng 4-5 triệu đồng, gấp nhiều lần giảng viên. Mỗi tháng một người trong Ban giám hiệu còn được thanh toán 30 lít xăng.

PV Tiền Phong thu thập được bản “Hợp đồng mở lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính C39” giữa trường với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Thoại Sơn, ký ngày 19-5-2010. Lớp có 95 học viên, học 152 ngày, kinh phí hơn 429 triệu đồng. Trong đó, tiền xăng xe cho giáo viên và cán bộ của trường là 9,5 triệu đồng. Giảng viên và cán bộ còn được hưởng tiền ăn và nước uống 13,6 triệu đồng. Hầu hết các khoản chi cho Ban giám hiệu là theo quy định do Ban giám hiệu đặt ra và được giấu kín.

Khi buộc phải công khai tài chính 23 lớp liên kết (trong hàng trăm lớp), bản “báo cáo” ngày 1-4-2010 của Ban giám hiệu công bố với cán bộ chủ chốt của trường, bên cạnh lộ ra việc lập quỹ đen hàng tỷ đồng, còn lộ ra việc đem 100 triệu đồng gửi tiết kiệm.

Cho đến nay, số tiền gửi tiết kiệm này chưa được làm rõ thêm: Gửi từ ngày tháng năm nào, tiền lãi thu về bao nhiêu và sử dụng như thế nào?

Theo đơn tố cáo của cán bộ công chức ở trường, Hiệu trưởng Đỗ Thanh Nhã còn cho một doanh nhân mượn 100 triệu đồng ngân quỹ, đến nay có nguy cơ bị mất. Vì đấu tranh cho sự minh bạch tài chính của trường, cuối năm 2010 có 6 cán bộ được các khoa, phòng bầu là lao động tiên tiến nhưng đã bị Hiệu trưởng cắt danh hiệu. Hiện những cán bộ này đang làm đơn đề nghị Tỉnh ủy An Giang can thiệp, giúp đỡ.

Theo Báo giấy