- Xin chào bà, bà có thể giới thiệu một chút về tiềm năng của tỉnh Phú Yên, nơi có bề dày lịch sử - văn hóa và có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt, đồng thời sở hữu tài nguyên thiên nhiên đa dạng và độc đáo?
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên: Là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Phú Yên được thiên nhiên ưu ái với bờ biển dài 189km, nhiều đài, vịnh và các bãi tắm hoang sơ, lại có cả đồng bằng và cao nguyên. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hai di tích, danh thắng quốc gia đặc biệt cùng 21 di tích quốc gia khác.
Đến với Phú Yên, các du khách có thể thỏa sức khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm, từ Mũi Điện, nơi ngắm bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam đến vịnh Vũng Rô, nơi kể câu chuyện về sự kiên cường của người dân Phú Yên qua những chuyến tàu không số, từ tháp Nhạn đến Gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, tháp Nghinh Phong…
Đặc biệt hơn, Phú Yên còn là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều nền văn hóa, với 33 dân tộc anh em đang sinh sống, mang đến cho chúng ta những bảo vật của nền văn hóa đá cùng 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời là sự đa dạng và phong phú về văn hóa, ẩm thực. Đây là những khác biệt mà chỉ Phú Yên mới có, đồng thời cho thấy tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch và thu hút đầu tư.
Một chi tiết tôi cũng muốn nhấn mạnh, chính là con người Phú Yên hiền hòa, chân chất và mến khách, luôn sẵn sàng chào đón tất cả mọi người đến với nơi đất Phú trời Yên.
- Vậy bà có thể chia sẻ kế hoạch phát triển những tiềm năng to lớn đó của tỉnh Phú Yên được không?
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ cùng các cấp các ngành, tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, trong đó có quy hoạch kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Yên được phê duyệt vào cuối năm 2023, là cơ sở để triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều lĩnh vực, bao gồm văn hóa, du lịch và thể thao.
Bên cạnh đó, ngành cũng tham mưu cho UBND tỉnh về chương trình hành động 09 về triển khai, đầu tư, thực hiện của ngành du lịch đến năm 2050, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch 198, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ban ngành và địa phương để phát huy tối đa lợi thế sẵn có của Phú Yên, nhằm tạo nên diện mạo mới của tỉnh trong tương lai.
- Vậy còn lĩnh vực thể thao thì sao? Được biết những năm qua Phú Yên rất chú trọng đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao và gặt hái nhiều thành tích nổi bật?
Thể thao là một lĩnh vực nhận được rất nhiều sự quan tâm của các Ban ngành đoàn thể, các cấp lãnh đạo. Sở VHTTDL là cơ quan tham mưu về mặt chuyên môn, đồng thời triển khai rộng khắp cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại và các chương trình, đề án của thể thao, từ thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao. Đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có tới 518 CLB thể thao quần chúng, là cơ sở để phát hiện, bồi dưỡng những gương mặt triển vọng cho thể thao thành tích cao.
Thời gian qua thể thao Phú Yên có sự chuyển mình tích cực, đạt thành tích cao ở các giải đấu cấp quốc gia và quốc tế. Đặc biệt Đại hội TDTT toàn quốc năm 2023 vừa qua là kỳ thành công nhất của thể thao Phú Yên với 2 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ, phá 2 kỷ lục của đại hội.
Trong quá trình hướng đến Tiền Phong Marathon 2024 được tổ chức tại Phú Yên, chúng tôi tự hào với gương mặt đại diện, VĐV Lê Thị Tuyết. Cô gái Phú Yên nhỏ bé này đã làm nên nhiều kỳ tích, từ Tiền Phong Marathon 2023 ở Lai Châu đến giải VĐ điền kinh Quốc gia và SEA Games 32, khi giành HCB ở lần đầu tham dự.
- Chúng ta đang nói đến Tiền Phong Marathon 2024, vậy kể từ khi nhận quyền đăng cai, Phú Yên đã chuẩn bị gì cho giải đấu?
Được đăng cai Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 là một vinh dự với Phú Yên nói chung và ngành thể thao tỉnh nhà nói riêng.
Tất cả đều biết giải đấu này có truyền thống lâu đời và quy mô lớn, thu hút rất đông HLV, VĐV cùng du khách từ mọi miền Tổ quốc. Với con số dự kiến hơn 10.000 người, đây là lần đầu tiên Phú Yên tổ chức một giải tầm quốc gia với số lượng người tham dự nhiều đến vậy. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho tỉnh và ngành, làm sao để có sự chuẩn bị tốt nhất, đồng thời tạo nên điểm nhấn khác biệt so với 64 lần tổ chức trước, để lại ấn tượng tốt cho tất cả những người đến với Phú Yên dịp này.
Kể từ khi nhận cờ đăng cai, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã thành lập Ban chỉ đạo và đề ra hơn 40 nhiệm vụ cho các ban ngành các cấp, bộ phận chuyên môn, các tiểu ban thực hiện. Ngoài các tuyến đường chạy, tỉnh cũng rất chú trọng tới công tác an ninh, y tế và lưu trú. Cho đến hiện tại, về cơ bản, mọi cơ sở vật chất đều đảm bảo, sẵn sàng cho Tiền Phong Marathon 2024.
- Tỉnh Phú Yên kỳ vọng điều gì từ Tiền Phong Marathon 2024, một sự kiện không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn cả về văn hóa, du lịch và kinh tế, thưa bà?
Như chúng ta đã nói, Phú Yên có rất nhiều lợi thế nhưng vẫn đang ở dạng tiềm năng. Thông qua Tiền Phong Marathon 2024 và công tác truyền thông, những danh lam thắng cảnh, lịch sử, văn hóa cũng như hình ảnh, con người Phú Yên sẽ được quảng bá rộng rãi để Phú Yên được biết đến nhiều hơn, đồng thời cũng thu hút nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chung tay phát triển du lịch, kinh tế.
Chúng tôi mong đợi Tiền Phong Marathon 2024 sẽ mang đến luồng sinh khí mới, đánh thức những tiềm năng và kiến tạo một Phú Yên phát triển.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.