Thủy điện trên dòng Mê Kông: Ảnh hưởng không nhỏ đến ĐBSCL

TP - ĐBSCL sẽ mất đi 5% phù sa, tổng lượng chảy tháng giảm 6,2%, kéo theo hàng loạt các vấn đề về đánh bắt nuôi trồng thủy sản, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, sinh kế của hàng triệu người dân. 
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa khô 2015-2016. Ảnh: Huy Hải.

Tại Hội thảo tham vấn dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông sáng qua do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức, tổ chuyên gia Việt Nam đưa ra nhiều con số đáng chú ý: Thủy điện Pắc Beng cùng Xayabury và Don Sahong sẽ làm ĐBSCL mất đi 5% phù sa, tổng lượng chảy tháng giảm 6,2%, kéo theo hàng loạt các vấn đề về đánh bắt nuôi trồng thủy sản, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, sinh kế của hàng triệu người dân. 

Đã ghi nhận sự suy giảm thủy sản, phù sa

Thủy điện Pắc Beng (thuộc huyện Pắc Beng, tỉnh Oudomxay, Lào) là công trình thủy điện thứ nhất trong chuỗi bậc thang thủy điện trên dòng chính dự kiến được xây dựng trong vùng hạ lưu vực sông Mê Kông. Nếu Pắc Beng được xây dựng, đây sẽ là công trình thủy điện thứ 3 của Lào xây dựng trên dòng chính Mê Kông, sau Xayabury (khởi công năm 2012) và Don Sahong (khởi công 2015).

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, ĐBSCL chắc chắn sẽ phải gánh chịu tất cả các tác động tích lũy từ các công trình trên dòng Mê Kông.

Để đánh giá tác động cụ thể, Tổ chuyên gia của Việt Nam (do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam chủ trì) đã tiến hành nghiên cứu tác động của dự án tới ĐBSCL trên nhiều phương diện như thủy văn, thủy sản, phù sa, sinh kế. Về thủy văn, trường hợp xét cả 3 công trình gồm Pắc Beng, Don Sahong và Xayabury, tổng lượng chảy (thời đoạn 10 ngày) về Tân Châu-Châu Đốc của Việt Nam sụt giảm tới 13% và tổng lượng dòng chảy tháng sụt giảm tới 6,2%.

Tác động này được coi là lớn, làm hiện tượng xâm nhập mặn trên hai sông chính (sông Tiền và sông Hậu) gia tăng lớn (vào sâu thêm từ 2,8-3,8km). Với phù sa, bùn cát, hồ chứa Pắc Beng sẽ lưu giữ hầu hết bùn cát đáy và một phần bùn cát lơ lửng về từ thượng nguồn trong lòng hồ, tổng lượng bùn cát đáy và lơ lửng bị lưu giữ tại Pắc Beng gần 90%.  Ở Việt Nam, trường hợp xét tác động của 3 công trình thủy điện, tổng lượng bùn cát tại Tân châu, Châu Đốc giảm 5%.

Bà Nguyễn Thị Phương Lâm, chuyên gia về tài nguyên nước cho biết, tác động đến phù sa sẽ là tác động lớn nhất. Các đập thượng nguồn ở Trung Quốc đã giữ lại 30% phù sa, nếu Pắc Beng, Don Sahong và Xayabury giữ thêm 5% nữa thì tác động rất lớn đến vấn đề xói lở bờ của Việt Nam. Ít nhất 50% đất canh tác ở ĐBSCL sẽ bị tác động do mất phù sa và dinh dưỡng từ các công trình thủy điện.

Bên cạnh đó, dự án thủy điện này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản của ĐBSCL. Theo chuyên gia Nguyễn Văn Trọng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, Dự án thủy điện Pắc Beng nằm ở vùng sinh thái 1 thuộc hạ lưu vực sông Mê Kông, nơi có tầm quan trọng về kinh tế xã hội và sinh thái học rất cao.

Nơi đây có hơn 200 loài cá, hơn 30 loài cá có giá trị kinh tế quan trọng, nhiều loài đặc hữu và quý hiếm. Sản lượng đánh bắt hàng năm ở vùng này khoảng 40.000-60.000 tấn. Dù chưa định lượng được thiệt hại cụ thể về nguồn lợi thủy sản song theo ông Trọng, ĐBSCL “chắc chắn sẽ ảnh hưởng”. Đập thủy điện sẽ ảnh hưởng đến một số loài cá di cư, giảm nguồn lợi do việc thay đổi chế độ thủy văn, dinh dưỡng trong nước.

Đại diện Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tổng sản lượng thủy sản ĐBSCL là 3,6 triệu tấn/năm, chiếm gần 60% tổng sản lượng thủy sản cả nước, trong đó khai thác tự nhiên trên Mê Kông khoảng 100.000 tấn/năm. Dự án thủy điện không chỉ tác động trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản mà còn ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản do sự thay đổi dòng chảy, chất lượng nước, dinh dưỡng.

Không chỉ ảnh hưởng trên sông mà còn cả vùng ven biển. Hiện tại hệ sinh thái ở miền tây, đặc biệt là vùng Tứ Giác Long Xuyên ảnh hưởng rất lớn do không có lũ về. Từ khi có các công trình thủy điện trên thượng nguồn Trung Quốc và hai công trình của Lào,  sản lượng khai thác tự nhiên của ĐBSCL giảm từ 150.000 xuống còn 90.000 tấn năm 2015. Về thành phần loài cũng suy giảm, kích thước các loài có xu hướng nhỏ dần.

16-29% dân ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng

Tổ chuyên gia cũng nhận định, từ việc giảm hàm lượng và tải lượng phù sa bùn cát về phía hạ lưu sẽ dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Tính toán sơ bộ cho thấy, tác động tích lũy của dự án Pắc Beng cũng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Kông có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL.

Hiện nay, những biểu hiện về thay đổi chế độ dòng chảy và mức độ xâm nhập mặn, sạt lở có xu thế diễn biến bất thường và dự báo sẽ gia tăng do tác động của các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Kông. Đánh giá sơ bộ cho thấy tác động tích lũy của dự án Pắc Beng cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sẽ góp phần làm gia tăng sạt lở, xâm nhập mặn và tăng thêm mức độ ảnh hưởng cho khoảng 16-29% dân số ở ĐBSCL.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển,  là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam đang theo dõi tình hình các công trình trên sông Mê Kông với mối quan tâm và quan ngại sâu sắc về tác động đến môi trường, kinh tế-xã hội ở ĐBSCL.