Nhiều câu hỏi được đặt ra
Ngày 12/5/2019, trên nhiều trang diễn đàn uy tín của những người chơi lan rừng Việt Nam lan truyền thông tin, hình ảnh về một thương vụ giao dịch lan phi điệp được cho là "khủng" nhất từ trước đến nay.
"Nếu so sánh với thương vụ gần 7 tỷ đồng để mua một giò lan phi điệp 5 cánh trắng và 7 kie (đốt) con ở TP. Đà Nẵng hồi năm ngoái thì thương vụ này còn lớn hơn rất nhiều. Nó không chỉ lớn hơn về mặt giá trị mà còn lớn về sự liều lĩnh của người bỏ tiền ra mua" - anh Trần Văn Hưng, một người chơi lan ở Phú Thọ nhận xét.
Theo lời anh Hưng, một kie lan dài chỉ khoảng 2mm được đồng ý mua lại với giá 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tất cả những người trong giới chơi lan đều không biết người bỏ ra số tiền lớn để mua kie lan này là ai.
Điều đặc biệt là kie lan này còn chưa ra rễ. Cả người bán và người mua chỉ biết mặt hoa của cây lan mẹ thông qua hình ảnh chứ chưa được xem trực tiếp.
Theo một người chuyên sưu tầm lan ở Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, thương vụ trên nếu có thật thì đó là một "canh bạc" rất lớn. Bởi, lan Phi điệp có tính đột biến cao, tùy vào điều kiện thời tiết, tay người chăm sóc mà cho ra mặt hoa khác nhau. Vì thế, mỗi cây lan Phi điệp là một mặt hoa, không cây nào giống cây nào. Cho dù kie con được tách từ thân cây mẹ cũng chưa chắc mặt hoa là một.
So sánh về mặt hoa cây mẹ trong thương vụ lan 3,5 tỷ đồng diễn ra hôm 12/5 với mặt hoa lan trong thương vụ hơn 7 tỷ đồng diễn ra ở TP. Đà Nẵng, người này cho rằng: "Mặt hoa của thương vụ 3,5 tỷ đồng còn thua xa mặt hoa trong thương vụ 7 tỷ đồng. Bông lan 5 cánh trắng ở TP. Đà Nẵng phần bông cánh dày hơn, tuyết dày tạo lên độ "ảo" của hoa".
Chính vì thế, người này đặt ra nhiều nghi vấn về thương vụ 1 kie lan dài 2mm có giá 3,5 tỷ đồng.
"Nếu đã công khai thương vụ thì sao không nói rõ tên cả người bán và người mua? Sao không công bố thông tin chính thức về nguồn gốc của cây cùng nhiều vấn đề liên quan khác?" - vị chuyên tầm lan này cho biết.
Thi thoảng thổi giá làm nóng thị trường
Nhiều năm trở lại đây ngày càng nhiều người Việt Nam có sở thích sưu tầm lan. Một trong những loại được giới chơi lan tìm mua nhiều nhất là Phi điệp (Giã hạc). Chính vì thế mà giá loại lan này cũng được đẩy lên cao ngấy ngưởng, thậm chí lên tới hàng tỷ đồng.
Nhưng những cây lan Phi điệp được lấy từ rừng sâu thường được giới chơi lan coi trọng và có giá cao hơn cả. Trong khi đó, hàng cấy ghép phôi (var) lại có giá thành rất rẻ vì sản xuất tràn lan.
Hàng var được sản xuất tràn lan ở Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản... cho ra mặt hoa tương tự như dòng lan đột biến ngoài tự nhiên. Nếu không phải là người am hiểu về lan thì khó có thể nhận ra được đâu là cây đột biến nhân tạo và thiên tạo.
TS Nguyễn Nam Tuấn, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyên nghiên cứu về cấy mô thực vật cho biết, việc cấy mô ở loài phong lan không khó và có thể nhân rộng. Phong lan cấy mô có sức sống cũng tương đương với lan ngoài thiên nhiên, chỉ cần người trồng tạo ra môi trường có độ ẩm vừa phải, thi thoảng bón phân là cây xanh tốt và cho ra hoa đều.
Anh Nguyễn Thế Hùng - một người đam mê sưu tầm lan ở Hòa Bình cho rằng, thị trường phong lan trong những năm gần đây đã bị "thổi" giá khá nhiều khiến cho những người đam mê lan thực sự khó có cơ hội để sở hữu những nguồn lan rừng đột biến quý hiếm.
Chiêu "thổi" giá lan cũng như chiêu thổi giá đất, giá chó Ngao Tây Tạng như nhiều năm trở lại đây. Bên Trung Quốc các loài lan được cấy mô, trồng bạt ngàn và xuất đi các nước với giá vô cùng rẻ. Kkhi về tới Việt Nam, nhiều người chơi không có tâm đã tìm cách thổi giá lên để lừa những người mới học chơi.