> Đề nghị tạm trữ 200.000 tấn đường
Một số DN đăng ký nhập với sản lượng lớn như Vinamilk (110.000 tấn), Tân Hiệp Phát (25.000 tấn), Pepsi (25.000 tấn) và Dutch Lady (24.000 tấn)… Ông Biên cho biết, quota nhập khẩu đường năm 2012 tối thiểu là 70.000 tấn. Thuế nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch rất cao, lên tới 80%.
Ông Đỗ Thành Liêm, Giám đốc Cty CP Đường Khánh Hòa nói rằng, khi giá đường nhập khẩu rẻ hơn giá đường trong nước, DN sẽ nhập để sản xuất; giá nhập khẩu hiện nay về tận kho là 14.500 đồng/kg, trong khi giá thành đường trong nước là 13.500 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các nước khác.
Theo ông Liêm, giá đường nhập khẩu rẻ là do thuế nhập khẩu giảm khi gia nhập khu vực mậu dịch tự do: Hiện, chỉ có 5% và tiến tới 0% trong năm 2013.
Ông Nguyễn Thế Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết sản lượng đường vụ 2011-2012 dự kiến 1,4 triệu tấn, tăng 300 nghìn tấn so với vụ trước.
“Chúng tôi đang băn khoăn bởi cung thì có thể tính được, nhưng không tính được lượng đường nhập lậu”, ông Long nói. Vì không kiểm soát, dự báo được lượng đường thực tế nên các DN khó chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Theo một DN sản xuất đường, từ đầu năm đến nay, tiêu thụ đường vô cùng khó khăn, vừa áp lực từ đường lậu, vừa áp lực từ các hộ tiêu thụ.
Giá đường từ đầu vụ 18.000-19.000 đồng, đến nay xuống còn 15.700-16.000 đồng, trong khi mía nguyên liệu nhiều nhưng nhà máy không dám giảm giá mía vì sợ nông dân bỏ. Theo ông Long, vì sản xuất bấp bênh nên lợi nhuận của các DN sản xuất đường khá thấp, hầu hết dưới 10%, có DN chỉ có 1-2%.