Cerinchungcuo gọi từ căn lều trong khu nhà tạm ở thị trấn Gyegu, khu tự trị Tây Tạng Yushu, tỉnh Thanh Hải, nơi có 2.200 người chết trong trận động đất 7,1 độ Richter hôm 14-4. “Hiện giờ, than rất đắt. Năm ngoái, 1 tấn than giá khoảng 800 nhân dân tệ, nhưng năm nay là hơn 1.000 nhân dân tệ. Yushu rất lạnh mà chúng tôi phụ thuộc vào than để sưởi ấm. Mỗi gia đình phải chi hơn 8.000 nhân dân tệ trong mùa đông”, giáo viên tiểu học Cerinchungcuo nói với ông Ôn Gia Bảo.
Thủ tướng trả lời: “Tôi sẽ yêu cầu chính quyền địa phương tăng trợ cấp tài chính cho Yushu và đưa tiền cho người dân địa phương để bù đắp giá nhu yếu phẩm tăng cao”.
Cerinchungcuo thông báo rằng, người dân địa phương có đủ lương thực, quần áo, còn tất cả học sinh đã trở lại trường. Công việc phục hồi Yushu sau động đất phải ngưng lại hồi cuối tháng 10 vì thời tiết giá lạnh. “Thời tiết và độ cao ở vùng núi là thách thức lớn nhất đối với việc xây dựng lại nhà cửa. Nhưng chúng ta sẽ cố làm việc để xây dựng lại tổ ấm an toàn cho các bạn”, ông Ôn Gia Bảo nói.
Trong buổi phát thanh trực tiếp, Thủ tướng Trung Quốc: nói với người nghe toàn quốc: “Radio không chỉ giúp người dân ngay lập tức nghe được tiếng nói của đảng, chính phủ mà còn ngay lập tức chuyển yêu cầu và ý kiến tới đảng và chính phủ”. Trung Quốc hiện có 251 đài phát thanh, trong đó CNR có lượng thính giả khoảng 700 triệu người.
Theo các chuyên gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc có truyền thống phát tiếng nói qua đài để đông đảo người dân trên lãnh thổ rộng lớn nghe được, và đây vẫn là phương tiện hữu ích nhất, dù internet đang phát triển mạnh mẽ.
“Radio vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong các vùng kém phát triển, nơi hạ tầng yếu kém, lạc hậu, không có internet, truyền hình, thậm chí báo in”, Yin Hong, Phó trưởng khoa Báo chí và Thông tin (Trường Đại học Thanh Hoa), nhận định. Những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo thỉnh thoảng trò chuyện trực tuyến với người dân.
Đợt tăng giá nhiều mặt hàng gần đây khiến dư luận lại chú ý đến khoảng cách giàu - nghèo, nông thôn - thành thị ở Trung Quốc. “Các nhà lãnh đạo nhận ra rằng, họ cần đến với nhiều đối tượng khác nhau qua nhiều phương tiện khác nhau. Hiện nay, qua đài, họ muốn liên lạc trực tiếp với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển nhất”, Yin nói.
Trong 5 năm tới, Trung Quốc có kế hoạch tăng mạnh số người dân có đài và TV, cũng như nâng cao diện phủ sóng, chất lượng phát thanh, truyền hình, đặc biệt cho những ngôi làng có 20 hộ dân trở xuống.
Minh Long
Theo Xinhua