Theo chương trình, dự kiến trong thời gian thăm Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan; hai nhà lãnh đạo sẽ cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo Nghị viện Hà Lan, một số quan chức Chính phủ và địa phương của Hà Lan. Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan; gặp mặt và đối thoại bàn tròn với một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của Hà Lan.
Dự kiến, hai nước sẽ ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có biên bản ghi nhớ việc Hà Lan hỗ trợ TPHCM chống ngập; bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Tập đoàn STC Hà Lan về hợp tác đào tạo hàng hải; ý định thư giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Cơ sở hạ tầng, Môi trường của Hà Lan về hợp tác giảm nhẹ thiên tai...
Chiều tối 8/7 theo giờ địa phương (đêm 8/7 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Amsterdam, bắt đầu chuyến thăm Hà Lan theo lời mời của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển toàn diện. Đây là điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả giữa Việt Nam với một nước châu Âu.
5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên
Những năm qua, Hà Lan coi Việt Nam là đối tác ưu tiên với nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu. Đáng chú ý, hai nước đã thiết lập đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, có thể tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan. Hai bên đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên: Thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý nước, nông nghiệp; năng lượng; kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics.
Tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên tích cực hợp tác, thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị lớn. Về vấn đề biển Đông, Hà Lan có lập trường tích cực đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định tại khu vực, nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Những năm qua, kim ngạch hai chiều Việt Nam-Hà Lan không ngừng phát triển và tăng đều hằng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam và xếp thứ 11 trong số 119 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 287 dự án trị giá 7,7 tỷ USD.