Thủ tướng giao 11 nhiệm vụ cho ngành y tế

TPO - Nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế...

Sáng 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Tại hội nghị TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề cập đến những khó khăn, thực tiễn đang xảy ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế. Đó là những khó khăn trong đấu thầu mua sắm và liên doanh liên kết. Vì vậy kiến nghị ở giai đoạn lập dự toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng dấu kĩ thuật hoặc nên bổ sung vào Thông tư hướng dẫn xác định dự toán mua sắm thuốc cho phép các bệnh viện được xây dựng đơn giá dự toán theo dấu kĩ thuật bằng với giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng dự toán mua sắm.

Đối với các loại thuốc hiếm và thuốc nhập theo hạn ngạch, vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn cung. Đối với những loại thuốc này, Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn hoặc lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh, thành phố.

TS Thức kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng 1 đến hạng đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu. Vì các thương hiệu lớn thường mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lí chuyên sâu. Về đấu thầu trong dịch vụ sửa chữa, bảo trì các thiết bị y tế, hiện chưa có một quy định nào cho nội dung này.

“Đối với đấu thầu phục vụ cho công tác hoạt động bệnh viện trong thời điểm dịch COVID-19, như các công ty vệ sinh công nghiệp, cung cấp suất ăn, giặt là và các dịch vụ hậu cần khác, có những đơn vị hết thầu đúng giai đoạn cao điểm dịch thì không thể thực hiện thầu được. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép gia hạn thời hạn đối với những hợp đồng thầu trên”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn, đấu thầu hóa chất và giá của các hóa chất này do Bộ Y tế quản lí bán hoặc đấu thầu tập trung quốc gia.

GS.TS. Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia nhìn nhận: “Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những ví dụ minh chứng khó khăn của ngành y tế thời gian qua. Trước mắt, trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy ngành cần giải quyết vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị. Đồng thời, cần chú ý tuyên truyền những điểm làm được của ngành y tế.

Thứ hai là nhân lực của ngành y tế, vấn đề từ trước đến nay đã nói rất nhiều. Cần đánh giá năng lực đạt yêu cầu trước khi bổ nhiệm.

Thứ ba là y tế cơ sở, cần có giải pháp cụ thể mang tính bền vững bởi hiện nay y tế cơ sở vẫn yếu. “Chúng ta có hiện trạng là tuyến trên thì đông, tuyến dưới thì sơ sài. Tôi nhớ lại năm 2005, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kí Quyết định 950 nâng cao năng lực y tế xã. Chúng ta ban hành nhưng chúng ta cần giám sát”, TS Cường nói.

Các Bộ, ngành cùng Bộ Y tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: “Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư, tâm trạng rất khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị ngày 21/8. Ảnh: Như Ý

Thủ tướng nhìn nhận, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm “Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, với quan điểm "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt"; quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lí dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

Ngoài ra người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra vấn đề tài chính y tế còn nhiều bất cập (liên quan đến thực hiện tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mệnh giá và thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...). Giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực y tế còn chậm (tính đến 30/6/2022, vốn chi thường xuyên mới giải ngân được 32%, vốn đầu tư công trung hạn mới giải ngân được 2,5% kế hoạch vốn giao năm 2022).

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cơ bản nhất trí với báo cáo và nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp; ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông đồng thời lưu ý thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vắc xin, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả; Tiếp tục triển khai hiệu quả 03 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Thứ hai, Bộ Y tế, trực tiếp là đồng chí Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế và tổ chức đảng toàn ngành Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh.

Thứ ba, khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này.

Thứ tư, quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sĩ khi hi sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.

Thứ năm, quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lí dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

Thứ sáu, khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lí nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế (khám chữa bệnh từ xa, thực hiện các thủ tục trên môi trường mạng, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đơn thuốc điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, làm sạch dữ liệu tiêm chủng…).

Thứ tám, trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nòng cốt là ngành Y tế nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lí các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế.

Thứ chín, đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Chủ động tuyên truyền theo tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; khẳng định sự nỗ lực, thành quả rất cơ bản của ngành Y, của đội ngũ cán bộ y tế, củng cố hình ảnh "thầy thuốc như mẹ hiền".

Thứ mười, tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vắc xin trong nước.

Mười một, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lí, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…