Thủ tướng: APEC cần đóng vai trò khởi xướng

TPO - Tối 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 được tổ chức tại Papua New Guinea.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các Quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 18/11, các nhà Lãnh đạo APEC đã tham gia Đối thoại với Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde. Phát biểu tại Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh APEC cần tăng cường phối hợp với các cơ chế đa phương, nhất là với IMF, để đẩy mạnh liên kết kinh tế, quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu cân bằng, tăng trưởng bao trùm và đổi mới sáng tạo.

Các nhà Lãnh đạo đã tham gia Phiên họp quan trọng về “Kết nối vì tăng trưởng bao trùm thông qua tương lai số”. Hội nghị nhất trí Chương trình hành động về kinh tế số, đẩy mạnh hợp tác xây dựng năng lực, phát triển kỹ năng, thu hẹp khoảng cách số; nhấn mạnh sự tham gia của mọi thành phần xã hội vào nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo vì tăng trưởng bền vững, chất lượng.

Các nhà Lãnh đạo cam kết đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối APEC đến năm 2025, hướng tới hiệp định thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Đa số các thành viên ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy vậy, quan điểm giữa một số thành viên còn khác biệt lớn về một số vấn đề liên quan đến thương mại và hệ thống thương mại đa phương.

Kinh tế thế giới xuất hiện dấu hiệu bất ổn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên đối thoại theo nhóm của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Indonesia, Australia và Đài Loan (Trung Quốc) với thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kinh tế thế giới xuất hiện dấu hiệu bất ổn, thách thức mới, chưa có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu. APEC cũng đứng trước những thử thách mới, đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ của mỗi thành viên.

Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tôn trọng các trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cũng như vai trò của các định chế toàn cầu, đặc biệt là WTO.

Thủ tướng đề nghị cần tăng cường cải cách cơ cấu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế, tích hợp Chương trình nghị sự mới APEC về cải cách cơ cấu vào chương trình nghị sự của các thành viên, bảo đảm các lợi ích của sáng tạo và công nghệ lan tỏa trong nền kinh tế, đến với mọi người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa. APEC cần thúc đẩy triển khai hiệu quả sáng kiến về thương mại điện tử qua biên giới, kinh tế mạng và kinh tế số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần đầu tư hạ tầng số và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số theo hướng toàn diện, đáng tin cậy và an toàn, tập trung vào hạ tầng thương mại số, công nghệ tài chính (fin-tech), kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cấp tổ chức và kỹ năng quản trị. Các nền kinh tế phát triển hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển trong chuyển đổi cơ cấu, xây dựng năng lực quản trị và tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao khả năng kết nối trong thời đại số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng APEC cần tiếp tục phát huy vai trò động lực cho các liên kết khu vực và toàn cầu. Tiếp đà của Năm APEC 2017, tại hội nghị lần này, APEC cần tiếp tục chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò tiên phong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng, dựa trên các luật lệ và quy tắc mới, đề cao hơn nữa vai trò trung tâm là WTO.

Thủ tướng thông báo Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 12/11. Đây là bước đi cụ thể để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng cũng nêu bật nỗ lực của Việt Nam cải cách nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện phúc lợi của người dân. Thủ tướng khẳng định, qua 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia đề xuất ý tưởng, chủ động thực hiện các sáng kiến và tiếp tục có nhiều đóng góp cùng vun đắp tương lai chung về tầm nhìn của một Cộng đồng Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Cấp thiết cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên đối thoại theo nhóm của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Indonesia, Australia và Đài Loan (Trung Quốc) với thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Trưa 18/11, các nhà Lãnh đạo APEC tiếp tục Phiên làm việc về “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số”. Các thành viên cam kết triển khai Chương trình hành động APEC 2017 về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đến năm 2030, đóng góp thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Hội nghị nhất trí hợp tác tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo cơ hội phát triển cho các vùng nông thôn, người khuyết tật, chú trọng đổi mới sáng tạo, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chưa bền vững và đồng đều. Hơn lúc nào hết, APEC cần đi đầu thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và sáng tạo tại châu Á – Thái Bình Dương, tạo động lực cho phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu và thực hiện SDGs.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị APEC cần đóng vai trò khởi xướng, “vườn ươm” các ý tưởng đổi mới sáng tạo, đưa châu Á – Thái Bình Dương thành trung tâm công nghệ toàn cầu. APEC cần đẩy mạnh các chương trình hợp tác về cải cách cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực sáng tạo, cạnh tranh của các nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo châu Á – Thái Bình Dương, khơi dậy sức sáng tạo của các doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Các thành viên APEC cần tận dụng cơ hội to lớn của kỷ nguyên số đặt người dân vào trung tâm của phát triển, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật, nâng cao năng lực và tiếp cận công nghệ số, thích nghi với thay đổi và ứng phó với rủi ro. APEC cần thúc đẩy bao trùm về giới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nữ, tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ, lập mạng lưới doanh nhân nữ APEC.

APEC cần đóng góp tích cực ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là an ninh lương thực. Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện các Kế hoạch hành động của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn – đô thị đẩy mạnh cách tiếp cận đa ngành, gắn với an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp thông minh, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, rừng, biển và đại dương. APEC cũng cần  hỗ trợ các thành viên đang phát triển ứng dụng công nghệ cao giảm rủi ro, cảnh báo sớm và phục hồi sau thiên tai.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, chú trọng tăng trưởng bền vững, bao trùm, khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC trong nỗ lực chung hướng tới một cộng đồng năng động về kinh tế, bao trùm về xã hội, ổn định về an ninh và thực sự vì người dân và doanh nghiệp. 


* Chiều 18/11, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 đã chính thức bế mạc. Hội nghị đã không đưa ra được Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo APEC như thông lệ. Tuy nhiên, các thành viên APEC đều nhấn mạnh những kết quả quan trọng về liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, bao trùm, kết nối và trên nhiều lĩnh vực khác mà APEC đã đạt được trong năm nay, đồng thời nhất trí sẽ tiến hành Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 tại Chile vào năm 2019.

* Trong khuôn khổ dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Port Mosby, Papua New Guinea, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Hai Thủ tướng nhất trí hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước hướng tới đối tác chiến lược. Thủ tướng đề nghị New Zealand tiếp tục tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp như xoài, thanh long và chôm chôm.

Trong chiều 18/11, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, tiếp xúc với hình thức đa dạng giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân hai bên, nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thủ tục nhập cảnh cho công dân và doanh nhân hai bên đến làm việc, học tập, kinh doanh và lao động.

Phía Hong Kong sẵn sàng cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Hai bên đã trao đổi những biện pháp thúc đẩy thương mại hai chiều, đầu tư, tài chính, ngân hàng, giáo dục và du lịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hong Kong mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến; khuyến khích hai bên chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch và phát triển đô thị, xây dựng thành phố thông minh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao...

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam