Thu nhập 1,3 triệu/tháng và kiếp sống mòn ở CLB bóng đá nữ Thái Nguyên

Không tìm được nhà tài trợ đầu tư dài hơi và toàn diện, CLB bóng đá nữ Thái Nguyên luôn trong tình trạng bấp bênh còn các cầu thủ đã quá quen với kiếp sống mòn cùng mức thu nhập 1,3 triệu đồng/tháng.

Là một trong những địa phương đi đầu hưởng ứng phát triển bóng đá nữ, từ năm 2002, nhưng kể từ đó đến nay, CLB bóng đá nữ Thái Nguyên luôn trong cảnh bấp bênh, tạm bợ do thiếu sự đầu tư có chiều sâu cũng như dài hạn từ các nhà tài trợ.

Hiện tại ở đội bóng chỉ còn khoảng hơn 20 cầu thủ, đa số là lứa cầu thủ trẻ mới tuyển về, trong độ tuổi 13-14 (sinh năm 2006) còn các gương mặt dày dạn kinh nghiệm hơn hay tuổi đời nhiều hơn đều... đã xin về để đi làm công nhân nhằm trang trải cuộc sống.

 

Ông Phạm Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao Thái Nguyên cho biết, hiện đội bóng đá nữ Thái Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn và đã trình đơn lên VFF xin rút lui không tham dự các giải chuyên nghiệp để chỉ tập trung làm bóng đá trẻ lứa Udo thiếu kinh phí trầm trọng.

"Chúng tôi muốn làm bóng đá nữ trẻ, nói thật là một phần vì các em VĐV còn trẻ sẽ không suy nghĩ nặng nề về chuyện tiền bạc. Ở CLB bóng đá nữ Thái Nguyên hiện giờ các cầu thủ nhiều tuổi hơn đều đã xin về để đi làm công nhân trang trải cuộc sống còn chúng tôi không thể giữ họ lại vì điều kiện không cho phép và cũng không nỡ làm như vậy, thực sự là không còn cách nào khác", ông Phạm Ngọc Quang ngậm ngùi nói.

Ông Quang cũng cho hay, các cầu thủ nữ chỉ có hợp đồng đào tạo, không có tiền lương, chế độ ăn là 100.000 đồng/ngày, tức mỗi bữa ăn khoảng 35.000 đồng, và được trả tiền công tập luyện là 60.000 đồng/ngày công, trừ thứ 7 và Chủ nhật, tức tổng thu nhập chỉ có khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.

Đó là lý do mà cầu thủ có thu nhập ở mức cao nhất đội là đội trưởng Trần Thị Thúy Nga, năm nay đã 29 tuổi, gắn bó với CLB bóng đá nữ Thái Nguyên hơn 13 năm, nhưng cũng chỉ ở mức 4,3 triệu đồng/tháng. Và sở dĩ Thúy Nga được hưởng số tiền này là do nhà gần nơi sinh hoạt của đội nên không đăng ký ăn cùng các đồng đội.

 

"Tôi đã cống hiến hơn 13 năm cho bóng đá nữ Thái Nguyên, giờ nếu đội phải nghỉ thi đấu giải, tôi trước mắt cũng không biết phải làm gì, chắc cũng phải từ bỏ đam mê để đi làm công nhân phụ giúp gia đình như nhiều người khác", Thúy Nga chia sẻ.

Cùng với thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của các nữ cầu thủ bóng đá Thái Nguyên cũng khổ sở trăm bề. Hiện tại, đội có hơn 20 người nhưng chỉ có 3 phòng khoảng 15m2 nên 6-7 người phải ở chung một phòng vốn đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Do chỉ có 1 chiếc quạt trần duy nhất trong phòng nên lúc trời nắng nóng cao điểm, các cầu thủ dù không dư dả gì cũng phải bỏ tiền ra để tự mua thêm quạt, nếu không muốn ra ngoài hành lang trải chiếu ngủ và bắt muỗi.

Điều kiện sân bãi tập luyện của CLB bóng đá nữ Thái Nguyên tất nhiên không khá hơn tình cảnh sinh hoạt bi đát của thầy trò Đoàn Việt Triều. Mặt cỏ sân tập không được chăm sóc vì máy cắt cỏ hỏng đã vài năm mà không có tiền sửa, nếu cỏ cao quá thì thuê người, hoặc thầy trò bảo nhau tự cắt để tiết kiệm chi phí.

Mặt sân nhấp nhô, giày thì đã cũ rách nát nên việc các cầu thủ dính chấn thương là khó tránh khỏi. HLV Đoàn Việt Triều cho biết, ngoài bảo hiểm do các cầu thủ tự đóng thì chi phí phẫu thuật cho các VĐV bị chấn thương nặng cũng quá ít ỏi còn tiền sử dụng trong quá trình phục hồi là không có. Đây là lý do mà hơn một lần nhà cầm quân sinh năm 1981 này từng bỏ tiền túi cho các học trò trị liệu, phục hồi chấn thương đầu gối sau khi mổ.

Ông Triều buồn rầu kể lại có đợt cao điểm, 6-7 cầu thủ tới gặp BHL và lãnh đạo Trung tâm để xin nghỉ, về làm công nhân với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng, gấp 3-4 lần thu nhập hiện tại. Không thể và cũng không biết lấy gì để ngăn cản các học trò, HLV Đoàn Việt Triều cứ lần lượt chia tay các học trò gắn bó nhiều năm nhưng phải chia tay đam mê vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền.

"Chúng tôi không nỡ ngăn cản các VĐV xin nghỉ về làm công nhân. Như anh Phạm Ngọc Quang đã nói, chúng tôi có ký hợp đồng đào tạo, trong đó ghi rõ điều khoản phạt nếu tự ý chấm dứt hợp đồng, nhưng là để đó chứ có phạt ai bao giờ đầu. Các cầu thủ khó khăn quá nên mới phải vệ, thực sự chúng tôi không nỡ. Chúng tôi vô cùng xúc động vì thời điểm đá giải, các VĐV vẫn xin nghỉ làm để về thi đấu vì màu cờ sắc áo của CLB bóng đá nữ Thái Nguyên", HLV Đoàn Việt Triều nói.

 

Tuy khó khăn là vậy nhưng HLV Việt Triều cho biết các cầu thủ của mình không một lời kêu ca, thậm chí nhiều VĐV còn làm trái ý gia đình khi bố mẹ không muốn con tiếp tục theo nghiệp này để về quê tìm việc khác thu nhập ổn định hơn đi đá bóng.

"Hàng ngày các cầu thủ vẫn dậy từ 4h30 sáng để tập kỹ thuật nhờ ánh đèn tù mù từ khán đài A, còn chiều tập đến 18h30 hoặc tới lúc trời tối hẳn mới nghỉ. Tôi cũng chỉ biết động viên toàn đội tập luyện chăm chỉ với tinh thần vượt khó", ông Việt Triều chia sẻ.

 
 

Hà Thị Thảo, nữ VĐV trong nhóm trẻ nhất của đội, sinh năm 2006, vui vẻ nói sẽ cố gắng theo đuổi đam mê tới cùng. Nữ cầu thủ quê gốc Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi đã đến Trung tâm được 8 tháng, phải sống xa gia đình lại trong điều kiện thiếu thốn nhưng tôi hiểu mình phải vượt khó để theo đuổi đam mê với trái bóng tròn".

Việc đứng hạng 5/7 ở giải Vô địch Quốc gia năm nay cũng như giành tấm HCĐ ở Cúp Quốc gia là thành tích có thể nói là ấn tượng và đầy cố gắng với CLB bóng đá nữ Thái Nguyên, vốn không được đầu tư bài bản và toàn diện vì thiếu kinh phí trầm trọng.

Ngay cả số tiền thưởng hơn 220 triệu đồng từ tỉnh cùng 50 triệu tiền thưởng tấm HCĐ Cúp Quốc gia mà thầy trò HLV Đoàn Việt Triều mong chờ vì một cái Tết ấm no sắp tới cũng chưa thấy đâu vì tất cả vẫn đang trong quá trình... rải ngân.

Và các nữ cầu thủ CLB bóng đá nữ Thái Nguyên vẫn tiếp tục kiếp sống mòn như thế - như một thói quen bao ngày qua.