Không chỉ là tấm ảnh
“Skyline” có nghĩa “đường chân trời”, hiện có hơn chục thành viên là những bạn trẻ đến từ nhiều địa phương, ngành nghề. Người trẻ nhất sinh năm 2004, người “cứng” tuổi nhất sinh năm 1985. Hơn một năm qua, nhóm đã phục hồi, làm sắc nét, phủ màu và cải thiện chất lượng của nhiều tấm ảnh chân dung anh hùng liệt sĩ đã nhuốm màu thời gian, trao đến tay thân nhân liệt sĩ.
Theo anh Trung, ngày đầu thành lập nhóm, các thành viên định đặt tên liên quan đến ảnh hay công việc phục chế ảnh.
Tuy nhiên, các thành viên đều mong muốn không chỉ dừng lại ở câu chuyện phục chế ảnh mà hướng đến những điều xa hơn, đóng góp thêm nhiều điều ý nghĩa hơn.
Mở tệp chứa các file ảnh gốc cần phục chế, trưởng nhóm Skyline Phùng Quang Trung (SN 1996, quê Hải Dương) cho biết, phần nhiều các bức ảnh chụp cách nay hàng chục năm, nước ảnh ố mờ, bay màu mất nét; có bức chân dung là tranh phác hoạ chì.
Trong quá trình phục chế những tấm hình liệt sĩ đã mất đường nét, chi tiết, các thành viên trong nhóm phải gọi điện thoại, trao đổi để gia đình liệt sĩ miêu tả, gửi ảnh thân nhân liệt sĩ đối chiếu. Khó và mất nhiều thời gian phục dựng nhất là đôi mắt.
“Trong quá trình làm, nhóm đã liên hệ, sưu tầm một số hiện vật như mũ cối, quân phục… và chụp lại để ghép vào ảnh phục chế, vì có những chi tiết, góc ảnh trong ảnh gốc không còn nhìn được. Điều này sẽ giúp ảnh phục chế không chỉ sống động mà còn bảo đảm chân thực, đúng với thời kỳ đó”, anh Trung nói.
Anh Trung và các thành viên luôn động viên nhau, rằng: “Với chúng ta chỉ là một bức ảnh, nhưng với gia đình liệt sĩ là tất cả những gì quý giá nhất, kỷ vật duy nhất thời thanh xuân của người con, người bố, người ông…”. Vì thế, nhóm cần nỗ lực phục chế ngày càng nhiều ảnh hơn.
Anh Trung bộc bạch, một trong những áp lực của nhóm khi ngày càng có nhiều người biết đến, là có rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi điện liên hệ với nhóm. Thời gian làm ảnh chủ yếu vào ban đêm, vì vậy có những quãng thời gian dài làm xuyên đêm.
Hành trình tri ân, bắc những nhịp cầu
Đến nay số lượng ảnh chân dung được Skyline phục dựng và trao tặng đã lên con số hàng nghìn. Theo khuôn hình của “những anh hùng mãi mãi thuở hai mươi”, nhóm đã đến với nhiều địa danh thiêng liêng và thăm nhà thân nhân liệt sĩ trên dải đất hình chữ S.
“Với các thành viên của nhóm, việc phục chế ảnh anh hùng liệt sĩ và trao tặng đã trở thành một sứ mệnh, cố gắng làm năm sau nhiều hơn, hiệu quả hơn năm trước. Trong những buổi lễ tri ân liệt sĩ, Quốc ca cất lên, bàn tay đặt lên ngực, tôi đã không kìm được cảm xúc và thấy rằng tình yêu nước luôn có thật nhiều cách thể hiện”, anh Trung nói.
Anh Trung và các thành viên vẫn vẹn nguyên cảm xúc có mặt ở Điện Biên Phủ trong dịp kỷ niệm Chiến thắng 70 năm và trao 30 ảnh chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tặng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; trao 100 ảnh chân dung liệt sĩ tại Hải Dương dịp 30/4; tặng ảnh 13 liệt sĩ TNXP và một nhân chứng sống ở “toạ độ lửa” Truông Bồn (Nghệ An), chân dung 10 liệt sĩ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)…
Theo anh Trung, mỗi tấm hình phục chế được gói cẩn thận và phủ cờ Tổ quốc trang trọng để trao tới thân nhân liệt sĩ. Việc phục dựng ảnh liệt sĩ hoàn toàn miễn phí, các thành viên trong nhóm dành nhiều nhất là quỹ thời gian, và một ít kinh phí để in ấn, tổ chức chuyến đi trao ảnh.
Có chuyến vượt cả nghìn cây số như ra Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) để trao ảnh chân dung Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu; hay vào TPHCM trao tặng chân dung của 65 Anh hùng, liệt sĩ Biệt động thành Sài Gòn, trong đó có Đại uý Nguyễn Văn Lém (bí danh Bảy Lốp) được phục dựng từ thước phim ghi lại lúc anh bị địch hành quyết tại Sài Gòn.
Qua những chuyến đi như vậy, những chàng trai Skyline cảm nhận rõ hơn những mất mát hy sinh của dân tộc, vết thương lòng thân nhân liệt sĩ còn nặng mang, về dáng hình và đôi mắt mỏi mòn của những Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đặc biệt, có cơ hội gặp những người anh hùng, nhân chứng của một thời đạn bom để khâm phục, tự hào ý chí kiên cường, quả cảm của thế hệ cha ông.
Anh Trung hồ hởi, dịp lên Điện Biên Phủ đã đến thăm "vua phá bom" trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Nguyễn Tiến Thụ - một trong số 32 Anh hùng LLVTND được trưng bày ảnh chân dung tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng với hành trình trao tặng những bức ảnh ý nghĩa, anh Trung hướng Skyline thực hiện nhiều hoạt động tri ân, tặng ảnh, quà, thắp nến tri ân. Đặc biệt, “bữa cơm bên mẹ” là hoạt động mà nhóm và đoàn viên, thanh niên địa phương cùng đi chợ, vào bếp và quây quần ăn bữa cơm bên Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ…
Không chỉ dừng lại ở việc phục dựng những hình ảnh về liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, ảnh lịch sử… Skyline còn mở rộng thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện, dự án phục dựng ảnh hướng tới cộng đồng, như: Chương trình “Nét ảnh vượt bão” với việc trao tặng 34 bức ảnh phục dựng và vận động được hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ, chia sẻ với người dân vùng bị bão lũ ở Làng Nủ (Lào Cai).
Trong thời gian tới, anh Trung và Skyline hướng tới mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn quốc; đồng thời xây dựng nền tảng dữ liệu hình ảnh và thông tin về liệt sĩ nhằm phục vụ cộng đồng, giáo dục lòng yêu nước và trách nhiệm xã hội.
“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm, trong đó có những điều người trẻ hiện nay có thể đóng góp, để tiếp tục sứ mệnh lan tỏa giá trị của hòa bình và những điều thế hệ đi trước đã hy sinh, cống hiến vì một Việt Nam độc lập, thống nhất. Tôi cùng nhiều thành viên trong nhóm cảm thấy vui vì làm được điều có ích, để tri ân và tiếp tục nỗ lực để phục dựng nhiều ảnh hơn, nhiều phần việc ý nghĩa hơn”, anh Trung bày tỏ.
“Tôi thấy rất vinh dự và may mắn khi được nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2024 do T.Ư Đoàn trao tặng. Giải thưởng dành tặng cá nhân, nhưng với tôi, là sự ghi nhận đối với nỗ lực, cống hiến của tất cả thành viên nhóm trên hành trình tri ân, kết nối hiện tại – quá khứ qua việc phục dựng ảnh, hoạt động thiện nguyện. Đây là những sự cổ vũ quý giá cho tôi cùng nhóm Skyline cố gắng hơn nữa”, anh Phùng Quang Trung – Trưởng nhóm Skyline bày tỏ.