Bà Phạm Thúy Anh - Chủ tịch quỹ C&D - cho biết mỗi dịp Tết đến các gia đình thường làm vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa nhưng lại gây ảnh hưởng đến vệ sinh chung liên quan đến vấn đề gom rác thải của khu phố, phường. “Chiến dịch này mang đến diện mạo sạch từ nhà ra đến ngoài phố đối với các khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội”.
Ý tưởng này cũng xuất phát từ thực tế không khí Hà Nội ô nhiễm đáng ngại thời gian gần đây. Chiến dịch được phát động từ 27/12/2024 đến 27/3/2025, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là thanh niên, học sinh, các hộ gia đình và tổ chức địa phương, tổ chức các cuộc thi như thi ảnh “Hà Nội xanh,” hoạt động dọn vệ sinh đô thị, và hội thảo nâng cao nhận thức.
Ban tổ chức còn phát hành sách kỹ năng sống xanh và bảo vệ môi trường, dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, tích hợp nội dung về tái chế, tiết kiệm tài nguyên, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau mỗi giai đoạn, những người thực hiện sẽ đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm ở Hà Nội và nhân rộng ra khắp các địa phương.
Chiến dịch “Phố phường sạch xanh” là một phần trong dự án Việt Nam đẹp xanh, nhằm ứng dụng công nghệ số để tiếp cận cộng đồng, thay đổi nhận thức, văn hóa và hành động của cộng đồng nhằm cải thiện môi trường.
Việt Nam đẹp xanh chia làm nhiều giai đoạn với 4 mục tiêu chính: tập trung thay đổi tư duy người dân, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ số để làm tốt hơn môi trường nội thành và Hà Nội là địa bàn chọn thí điểm đầu tiên; hướng tới đến vùng khu du lịch ven biển của Việt Nam vì vấn đề ô nhiễm nước biển để tạo nên môi trường nước sạch; hướng đến đồng bào sống ở khu vực rừng núi vì gần đây những nơi này gặp nhiều vấn đề trầm trọng về lũ lụt, sạt lở để triển khai dự án rừng núi đẹp.
Tối 27/12, lễ phát động được tổ chức tại Nhà hát Lớn thu hút 150 trường học, các bí thư chi Đoàn Thanh niên của nhiều phường, khu phố của Hà Nội, đại diện các trường đại học, hội phụ nữ, đại diện tổ dân phố lan tỏa thông điệp vì môi trường xanh sạch bền vững.
“Chúng tôi mong muốn tăng cường sự tham gia và kết nối của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người dân ở vùng đô thị, vùng ven biển, miền núi vào công cuộc xây dựng Việt Nam đẹp xanh theo xu hướng tăng trưởng xanh, áp dụng chuyển đổi số, và bồi dưỡng tư duy nhận thức tích cực, hiệu quả về văn hóa cộng đồng”, bà Phạm Thúy Anh nói.
Chiến dịch mở đầu với việc ra mắt sách kỹ năng Chuyện thường ngày của Bi và Be (36 kỹ năng cho tuổi học sinh) của nhà văn Di Li. Nhà văn Di Li cho biết, chị hoàn thành cuốn sách trong 14 ngày và có lẽ đây là cuốn sách đẹp nhất từ trước đến giờ của nữ nhà văn. "Tôi mong thông qua câu chuyện, tiêu đề có vẻ rất trinh thám, nhấn mạnh tính hài hước và ly kỳ sẽ giúp các em dễ lĩnh hội", nhà văn Di Li bày tỏ.
Đây là cuốn sách đầu tiên trong tủ sách hỗ trợ phát triển văn hóa cộng đồng, là món quà tâm huyết dành cho lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS với mong muốn trang bị cho các em những kỹ năng sống thiết thực.
Thông qua những mẩu chuyện bé xinh, tác giả đã gửi gắm một cách khéo léo 36 kỹ năng rất thiết thực cho các bạn nhỏ để tự bảo vệ an toàn cho cá nhân và thiếu kiến thức trong gia đình để hỗ trợ các em nên quỹ đã hướng tới ra mắt một cuốn sách về kỹ năng sống cho trẻ em.
Phát biểu tại lễ phát động, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhận thấy, trong xã hội có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang có những đóng góp cho xã hội miệt mài thời gian dài mà họ không cần vinh danh.
Ông ngạc nhiên trước dự án "Việt Nam đẹp xanh" của một gia đình trong suốt 15 năm qua với những đóng góp thiết thực cho xã hội. Dịp này, đông đảo văn nghệ sĩ như NSND Thanh Lam, nhạc sĩ Trí Minh, họa sĩ Đào Hải Phong, Phạm An Hải, các nhà văn, nhà thơ,... tham gia các hoạt động truyền thông để lan toả thông điệp của "Việt Nam đẹp xanh".