Thơ chưa đi xuống, mà đi ngang

TP - Năm nay, người yêu thơ nói riêng và quan tâm đến văn chương nói chung lại một phen xôn xao khi Hội đồng Thơ không đề cử tập thơ nào vào chung khảo giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn.

Có thể hiểu, theo Hội đồng chuyên môn đầy uy tín này, năm nay, không có tập thơ nào đáng trao giải thưởng.

Nhưng, như đã từng xảy ra, có thể vẫn có tập thơ được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải. Tiền Phong Cuối tuần đã phỏng vấn Nhà thơ Vũ Quần Phương - Chủ  tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam và đăng bài viết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo xung quanh vấn đề này.

Theo Hội đồng Thơ thì năm nay không có tập thơ nào đáng trao giải thưởng? Ông có thể nói rõ thêm về chuyện này? Chất lượng các tác phẩm thơ năm nay ra sao, theo quan điểm của ông và của Hội đồng thơ? Như vậy là “thơ đi xuống”?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Nhà  thơ Vũ Quần Phương (VQP): Tôi xin nói rõ thêm, để chọn các tập thơ hay trong năm và tặng giải, Ban chấp hành Hội nhà văn VN lập Ban chung khảo xét các tập thơ được giới thiệu từ các nguồn sau:

Từ giới thiệu của Hội đồng thơ; Từ giới thiệu của Ban Văn học quốc phòng, an ninh (cho các tác giả  và tác phẩm liên quan đến lĩnh vực này); Từ giới thiệu của Ban Văn học thiếu nhi; Từ giới thiệu của Ban văn học dân tộc ít người; Từ giới thiệu của các thành viên Ban chấp hành và thành viên Ban chung khảo.

Như  vậy các tập thơ mà Hội đồng thơ có  trách nhiệm tìm đọc không phải là toàn bộ  thơ xuất bản trong năm mà phải trừ đi các tập thuộc trách nhiệm của các Ban (2) (3) (4). Và nếu không chọn ra tập hay là cũng chỉ tính trong số ấy thôi. Biết đâu tập hay lại có trong các khu vực 2,3,4 kia.

Trong các năm 2007, 2008, Hội đồng thơ có đề nghị vào chung khảo tới 5 tập thơ. Nhưng rồi cũng không có giải thơ. Năm nay nếu cũng không có giải thơ nữa thì là thơ mới đi ngang. Chưa phải đi xuống. Nói vui thế thôi chứ đánh giá thịnh suy một nền thơ còn cần nhiều tiêu chí khác.

Như vậy có phải Hội đồng Thơ năm nay đã tự tước quyền đề cử của mình khi không đề cử một tập thơ nào?

Quyền (đúng ra là nhiệm vụ) của Hội đồng thơ là chọn ra n tập thơ hay để giới thiệu vào chung khảo (n là số nguyên, bằng hoăc lớn hơn 0). Năm nay n=0. Quyền, nếu gọi là quyền, thì vẫn ở đấy chứ ai tước.

Tôi cũng nghe ý kiến cho rằng năm nay Hội  đồng thơ mất tự tin mà không dám giới thiệu tập nào vào chung khảo. Ý kiến nghe có vẻ lôgic nhưng tôi nghĩ: không phải.

Chín thành viên Hội đồng thơ đều có ba bốn chục năm làm thơ, kinh qua nhiều năm làm biên tập văn chương ở các nhà xuất bản lớn, hoặc làm chủ tịch nhiều khóa các Hội văn nghệ tỉnh, nhiều người viết phê bình thơ khá sắc sảo. Tôi tin họ có kinh nghiệm và bản lĩnh thẩm định.

Nhưng tôi cũng không dám chắc rằng họ không bỏ sót. Vậy ai, kể cả người viết lẫn bạn đọc, phát hiện ra tập hay, xin chỉ dẫn cho họ.

Tôi là một thành viên trong Hội đồng thơ xin hứa với các bạn rằng không đề xuất nào của các bạn mà Hội đồng thơ bỏ qua. Việc tập nào được chọn là do kết quả của biểu quyết, bỏ phiếu.

Có quan điểm cho rằng, giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn phản ánh mặt bằng sáng tác thời điểm đó. Vì vậy không nên bỏ trống bất cứ một thể loại nào như năm nay và một số năm? 

Đấy là một quan điểm nhưng còn nhiều quan điểm khác. Ý bạn nêu đã bàn nhiều lần rồi, nhưng chưa lần nào được đa số nghe theo. Bạn đã đề nghị thì sang năm lại bàn.

Trên trang web của Hội Nhà văn VN vừa công bố danh sách đề cử các tác phẩm để BCH và Hội đồng chung khảo xét giải thưởng năm 2009, (xuất phát từ danh sách đề cử của Ban Văn học Dân tộc và Miền núi và Các thành viên BCH và Ban chung khảo) với 3 tập thơ. Theo ông, việc này sai đúng ra sao, về thủ tục, quy chế?

Đây là quy chế. Họ đề cử thế là hợp lệ. Có gì là không tôn trọng đâu. Còn sự lựa chọn nào là tinh tường thì cũng cần thời gian và công chúng kiểm chứng. Trước mắt thì cứ phải tôn trọng quy chế. Do vậy cũng đã có nhiều tập thơ được giải không do hội đồng thơ không đề cử mà Hội đồng thơ không “lăn tăn” gì.

Việc kết nạp hội viên thơ cũng theo quy chế này. Nên hội đồng thơ không giới thiệu các nhà thơ trẻ, các nhà thơ lưc lượng vũ trang, các nhà thơ dân tộc ít người, các nhà thơ viết cho trẻ em, mà chỉ cử đại diện có ý kiến khi hiệp thương và tham gia bỏ phiếu.

Đây có phải là lần đầu tiên có chuyện danh sách đề cử mà Hội đồng thơ đưa lên không được tôn trọng? Hoặc không đề cử mà giải thơ vẫn được Hội Nhà văn VN trao? Ông có thể nhận định về vai trò của Hội đồng Thơ nói riêng và các Hội đồng chuyên môn trong các cuộc chấm giải của Hội Nhà văn VN?

Theo tôi thì quy chế xét giải và kết nạp ấy cũng rắc rối không cần thiết mà có khi lại tạo nên những chỗ cập kênh. Chắc rồi cũng có  lúc sẽ “cải cách hành chính” cho gọn hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:

Tôi tin sẽ có giải thưởng thơ HNVVN 2009

Vài năm nay xuất bản thơ vẫn “nở rộ”, có nhiều tập thơ thật đáng đọc. Hình như người làm thơ đã bình tĩnh hơn khi cho in sách.

Nhưng trên trang web của Hội Nhà văn VN vừa công bố danh sách đề cử các tác phẩm để BCH và Hội đồng chung khảo xét giải thưởng năm 2009, không thấy danh sách đề cử của Hội đồng Thơ. Hội đồng Thơ năm nay đã tự tước quyền đề cử của mình/hay làm đúng quyền của mình, là không đề cử một tập thơ nào.

Theo Hội đồng Thơ thì năm nay không có tập thơ nào đáng trao giải thưởng.

Tuy vậy, trong danh sách đề cử của Ban Văn học Dân tộc và Miền núi và Các thành viên BCH và Ban chung khảo vẫn thấy có 3 tập thơ được đề cử: Bài ca đẹp nhất trần gian (Pờ Sảo Mìn), Sau đêm (Hữu Tiến), Đừng múc cạn nỗi buồn (Nguyễn Thị Ánh Huỳnh).

Theo tôi, nếu 1 hoặc 3 tập thơ đó được BCH và Ban chung khảo quyết định trao giải thưởng thì dư luận sẽ có nhiều bàn tán khác nhau về Quy chế xét Giải thưởng và Giải thưởng của HNVVN:

1. Về quy chế: Hội đồng Thơ (Hội đồng chuyên môn) = 1 thành viên của BCH hoặc Ban chung khảo = 1 Ban (phong trào). Đây là một điều bất cập.

2. Về Giải thưởng: Giải thưởng cho phong trào = giải thưởng chuyên môn. Thật khó đồng lòng, vì Hội đồng Thơ cũng đã biết những tập thơ này và không đưa vào danh sách xét tại Hội đồng.

Đó là sự bất cập mà ai cũng có thể chỉ ra

Trước đây đã có ý kiến về việc xét giải, Hội nên để các Ban (phong trào) giới thiệu các tác phẩm cho Hội đồng chuyên môn (Hội đồng Thơ, Hội đồng Văn Xuôi, Hội đồng LLPB, Hội đồng Dịch Văn Học), vậy mới đúng chức năng của các Hội đồng chuyên môn, và chỉ họ mới có quyền đề cử tác phẩm vào chung khảo.

Nhưng cái lẽ rõ ràng vậy vẫn không được chuẩn y, nên nhiều giải thưởng của HNV do các Ban đề cử đã khiến cho chất lượng giải non kém đi khá nhiều, không thuyết phục được công chúng. Có người còn gọi đó là giải thưởng từ cửa phụ.

Ví dụ Giải thưởng năm nay, dù đã được các Ban và các thành viên của BCH và Ban chung khảo đề cử cho thơ mà Thơ vẫn mất trắng thì sự để trắng thơ của Hội đồng Thơ là chính xác, đáng khâm phục. Nhưng nếu thơ vẫn không mất mùa như Hội đồng Thơ tưởng, thì Hội đồng Thơ cũng nên xem lại sự thẩm định mang tính sơ khảo của họ.

Trong 3 cuốn thơ được đề cử, tôi đồng thuận với thành viên nào đó đã đề cử và ý kiến nhà thơ Trần Mạnh Hảo về tập thơ Đừng múc cạn nỗi buồn của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.

Đây là tập thơ tuy không thật mới về thi pháp, nhưng là một tập thơ bừng sáng nhiều tâm thức sâu nặng của con người Nam Bộ con người Việt Nam trước cuộc đời đầy biến động; con mắt thơ của tác giả hướng người đọc cùng ngỡ ngàng trước ánh sáng mới mẻ của nhân văn.

Tôi vẫn tin ở sự hướng thượng của thơ Việt Nam hôm nay. Theo sự đọc của tôi, tôi tin năm nay sẽ có giải Thơ. Giải thưởng HNVVN 2009, nếu có giải cho THƠ, cũng chả có gì phải băn khoăn như đôi người vẫn nghĩ.

Nguyễn Trọng Tạo
4/12/2009

Lê Anh Hoài
Thực hiện