Thiết lập kỷ luật cho chính sách tiền tệ để giảm tốc độ lạm phát

Bộ Tài chính cho biết, điều kiện tiên quyết để giảm tốc độ lạm phát hiện nay là chính sách tiền tệ phải tạo tín hiệu cho người dân thấy rõ Chính phủ sẽ quyết tâm duy trì một tốc độ lạm phát ổn định.


Để thực hiện được như vậy, cần xác lập một kỷ luật cho chính sách tiền tệ dưới hai hình thức. Theo đó, ổn định tốc độ tăng cung tiền bằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hàng năm sẽ tăng cung tiền với tỷ lệ đúng bằng tốc độ tăng GDP danh nghĩa cộng thêm sai số. Khi NHNN hướng tới ổn định tốc độ tăng cung tiền thì đồng thời xây dựng lộ trình giảm dần việc kiểm soát lãi suất và hướng tới lãi suất sẽ do thị trường quyết định tùy theo mức cung tiền. Bên cạnh đó, áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu, cụ thể NHNN cam kết duy trì tốc độ lạm phát ở một mức nhất định. Theo các nghiên cứu thì lạm phát mục tiêu của Việt Nam nên dưới 10% vì khi tốc độ lạm phát vượt ngưỡng này sẽ làm giảm tăng trưởng.


Điều kiện cần thiết cho các biện pháp trên được Bộ Tài chính đưa ra là xác định rõ vai trò quan trọng nhất của NHNN là kiềm chế lạm phát chứ không phải tăng trưởng GDP; từng bước nâng cao vai trò của trái phiếu Chính phủ trong điều hành thị trường tiền tệ, coi đây là công cụ để điều tiết lượng cung tiền; công khai, minh bạch các chỉ tiêu tiền tệ như cung tiền, tín dụng, lãi suất...; tăng cường năng lực dự báo lạm phát.


Một giải pháp về lâu dài cũng được Bộ Tài chính đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát là cải cách hệ thống tài chính theo hướng tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng và của cả hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giảm mặt bằng lãi suất. Lãi suất tăng sẽ khuyến khích tiết kiệm, qua đó làm giảm lạm phát vì một mặt làm giảm tiêu dùng, mặt khác thúc đẩy tăng trưởng nhờ tăng nguồn cung tín dụng. Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, nhằm hình thành kênh huy động vốn khác cho các doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng. Đồng thời, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, cần thực hiện các biện pháp tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, giảm thiểu tỷ lệ nợ trên vốn của các tập đoàn, cải cách hệ thống ngân hàng, xử lý và lành mạnh hóa các khoản nợ xấu.


Hiện nay, tình trạng đô la hóa ở Việt Nam đang làm gia tăng khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ. Do vậy tình trạng đô la hóa có thể giảm bằng cách thực hiện nghiêm mục tiêu lạm phát đã đề ra để tăng uy tín của đồng nội tệ, tạo ra các công cụ để nâng cao khả năng cạnh tranh của đồng nội tệ, tăng cường sự kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động ngoại hối và rủi ro tỷ giá của các trung gian tài chính.


Giảm dần tỷ lệ đầu tư công đi đôi với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường phân cấp và kiểm soát kỹ đầu tư công, kể cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và tín dụng nhà nước, góp phần tránh tình trạng phân tán, kéo dài, kém hiệu quả trong các dự án đầu tư cũng là giải pháp được Bộ Tài chính đề cập tới trong việc kiềm chế lạm phát.


Mặt khác, theo Bộ Tài chính cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất. Bởi vì hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, do đó chi phí sản xuất và giá trong nước cũng biến động theo giá thế giới và tỷ giá hối đoái. Thông qua việc tập trung chỉ đạo sản xuất lưu thông các mặt hàng lương thực, thực phẩm; tăng cường giám sát để hạn chế tăng chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi, giết mổ; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, có biện pháp hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn, tăng cường cung ứng giống, thức ăn, duy trì và mở rộng sản xuất để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Đồng thời ngăn chặn nạn đầu cơ, đặc biệt là vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm; tăng cường giám sát giá và chống độc quyền giá. Bên cạnh đó, hạn chế can thiệp thị trường bằng mệnh lệnh hành chính, để giá hàng hóa do cung cầu thị trường quyết định.


Hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu chính thức để đánh giá công tác kiểm soát lạm phát. Để có thêm thông tin cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng bên cạnh việc sử dụng chỉ số CPI, có thể cân nhắc xây dựng và theo dõi một số chỉ số như lạm phát cơ bản, giá bất động sản, chỉ số giảm phát GDP. Vì theo Bộ Tài chính, lạm phát cơ bản chỉ là chỉ số mang tính tham khảo cho chính sách tiền tệ vì chỉ số này không phản ánh đầy đủ những thay đổi về mức sống của dân chúng như lạm phát theo CPI, cũng như không phản ánh được mức giá chung của nền kinh tế. Hơn nữa, xét về xu hướng biến động, lạm phát cơ bản và lạm phát CPI của Việt Nam không có khác biệt đáng kể. Đối với việc theo dõi giá bất động sản sẽ giúp Chính phủ và NHNN biết được khi nào tín dụng được đổ vào nền kinh tế một cách quá mức để có thể dẫn đến bong bóng bất động sản. Ngoài ra, cũng cần phải xây dựng các chỉ số giá các nhóm hàng cụ thể như chỉ số về giá nhà cửa, giá giáo dục, giá y tế....

Theo Đăng lại