Ðầu nguồn con sông chảy ngược
Rời xa huyên náo phố thị và những chuỗi ngày say men lễ hội xuân tết, tôi ngược con đường 4B từ thành phố Lạng Sơn về hướng huyện Đình Lập của tỉnh này rồi quẹo đường mòn biên giới đến xã Bắc Xa.
Bắc Xa (huyện Đình Lập), nơi đầu nguồn của sông Kỳ Cùng nổi tiếng xứ Lạng chảy từ bên kia biên giới. Con sông theo hướng Tây bắc qua thành phố Lạng Sơn và 3 huyện giáp biên rồi đổ nước sang Trung Quốc.
Dọc theo con sông, có cảnh quan tuyệt đẹp cùng làng mạc của người dân tộc thiểu số sống nhiều đời nay.
Nhạc sỹ Bùi Minh Tấn (Hội viên hội VHNT tỉnh Lạng Sơn) thả ánh nhìn về phía xa xa miền biên viễn. Anh cảm nhận: “Không gian thật tĩnh lặng, yên bình của núi rừng và bản làng, không có tiếng xe cộ, khói bụi, không nhà cao tầng san sát mà là những ngôi nhà được trình tường bằng đất, mái ngói màu nâu sẫm theo thời gian. Tôi thích cái se lạnh vào buổi sáng sớm hay chiều tối, sự ấm áp vào buổi trưa, khiến con người cảm thấy thật sự dễ chịu, muốn hít hà mãi cái không khí trong lành, tinh khiết nơi đây”.
Chúng tôi tản bộ trên con đường nhỏ mênh mông hàng trăm quả núi đồi lô nhô sát biên giới Việt- Trung, thỏa thê ngắm những vùng cỏ rộng lớn, nơi người dân chăn thả trâu, bò, dê. Phía khuất nẻo bên dòng suối nhỏ có tốp người người mặc áo chàm xanh bắt cá, mò ốc. Mùi cá suối nướng thơm lừng, ngầy ngậy theo gió lam chiều.
Bí thư Huyện ủy Đình Lập, anh Nguyễn Hoàng Tùng là người sinh ra, lớn lên tại địa phương này nên rành từng ngọn cỏ, lối đi. Anh Tùng giới thiệu với niềm tự hào về quê hương mình: “Mỗi mùa, Bắc Xa lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Mùa xuân là thời gian trăm hoa đua nở khắp núi rừng, mùa hè là khung cảnh của những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh. Còn khi thu đến, đông qua, xuân về thì xuất hiện những tràng cỏ lau trổ bông dọc hai bên đường biên, dọc lối lên cột mốc. Có thời điểm thời tiết giá lạnh, băng tuyết xuất hiện như trên đỉnh cao Mẫu Sơn rất đẹp và nơi đây được ví như một “Sa Pa thu nhỏ”.
Xứ sở ngàn lau
Chúng tôi theo từng bậc thang ngút ngàn cùng lau lách hai bên đường. Bí thư Nguyễn Hoàng Tùng cho biết thêm: Cách đây vài năm, từ khi hoàn thành việc xây dựng con đường bê tông dọc theo đường biên giới, nơi đây trở thành điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ ưa khám phá.
Với địa hình đồi núi điệp trùng, những cung đường tuần tra vắt qua những quả đồi xanh ngút tầm mắt, cùng với thời tiết mát mẻ, quang đãng, khiến đất trời vùng biên trở nên hùng vĩ mà khoáng đạt, vời vợi trong mắt người thưởng ngoạn.
Chúng tôi nối chân đi lên khu vực cột mốc số 1270 được dựng trên đỉnh đồi cao nhất của xã Bắc Xa. Dù đã được xây từng bậc thang rộng, vững chãi nhưng để lên tận nơi không dễ, phải đi bộ ngược từ chân đồi lên đỉnh trên 1 km.
Chúng tôi bắt gặp các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đi tuần tra đường biên, mốc giới. Trung tá Đặng Thành Long, Phó đồn trưởng đồn Biên phòng Bắc Xa cho biết: Địa bàn đơn vị quản lý có nhiều cột mốc biên giới (40 cột mốc), trong đó có những cột mốc đặc biệt nằm tít trên đỉnh đồi cao. Nói rồi Trung tá Long chỉ tay về phía trước mặt tâm sự: “Bên cạnh rặng lau và cột cờ đỏ sao vàng đang phất phới kia là điểm cao 424. Tại đây, 11 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979”.
Ai nấy đều xúc động. Đã 40 năm qua, máu đào của những người giữ đất biên cương đã thấm đất, để rồi xuất hiện những tràng lau trắng phau vươn lên lặng lẽ.
Ðánh thức tiềm năng
Bí thư Tùng thông tin: Bắc Xa có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 33 km. Là xã vùng ba, cách trung tâm huyện 37km với tổng diện tích đất tự nhiên 15.642 ha, toàn xã có 326 hộ, 1.513 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em sinh sồng tại 14 thôn.
Trung tá Đặng Thành Long cho biết thêm: Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng là những người đi đầu trong việc phát cây, phát triển cây thông, cây sở quanh khu vực đóng quân và vùng phụ cận, sau đó nhân dân học tập, làm theo. “Hiện nay, bình quân mỗi hộ dân ở đây sở hữu khoảng 10-20 ha thông, cá biệt có những hộ có trên 40ha, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm từ nhựa. Đời sống bà con được cải thiện rõ rệt”. Trung tá Long nói.
Vùng biên giới Bắc Xa còn giữ được bản sắc cùng các nét sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đậm đà của người Tày, Nùng, Dao, Sắn Chỉ.
Theo Bí thư Nguyễn Hoàng Tùng, 5 năm trở lại đây, đường tuần tra biên giới Bắc Xa được nhiều người biết đến, giới trẻ tổ chức các tua du lịch, đi phượt khám phá vẻ đẹp hoang sơ của tràng lau. Ngày đẹp trời có hàng trăm lượt khách ghé thăm. Nhờ vậy, đặc sản địa phương tiêu thụ tốt , được giá cao, nhiều hộ trở nên khá giả.
Bí thư Tùng cho biết thêm, Sở VH-TT & DL Lạng Sơn đã tổ chức khảo sát, tọa đàm về việc xây dựng tuyến du lịch đường Tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh mà chủ yếu là tuyến đường vành đai thuộc xã Bắc Xa đi Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), nhằm làm phong phú loại hình sản phẩm du lịch của Lạng Sơn. Một số doanh nghiệp có những động thái tích cực nhằm chuẩn bị cho việc khai thác, quảng bá cho cung đường này. “Hy vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có thêm một tuyến tham quan thú vị bắt đầu từ Đền mẫu Đồng Đăng, phố Kỳ Lừa, động Tam Thanh đến khu du lịch Mẫu Sơn, Bắc Xa, Bình Liêu ra đến Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh). Đó sẽ nét khởi sắc cho cả một vùng biên cương Tổ quốc”. Bí thư Tùng nói.
Xế chiều. Chúng tôi đi theo tiếng kèn Pí Lè vọng nơi xa, xuống đồi. Mùa này, lau cao hơn đầu người, dập dềnh, theo gió khiến khung cảnh trở nên thanh bình, đầy chất thơ và an yên đến lạ...
Vi Xuân Trường, một người làm thơ ở xứ Lạng tức cảnh sinh tình ứng tác ngay.
Lắng nghe trời đất giao hòa/ Tiếng mưa lẫn tiếng xuân qua nồng nàn/ Một rừng hoa sở miên man/ Trắng trong như nước bản làng em ơi!/ Lối đi ngào ngạt hương hồi/ Con chim nó hót yêu đời làm sao/ Gió đưa phơ phất nhành lau/ Quê mình xứ Lạng nơi nào đẹp hơn!
“Từ khi có nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng “Thiên đường bông lau”, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương tạo mọi điều kiện cho du khách. Tổ chức Đoàn TN ra quân đầu xuân thực hiện các công việc tình nguyện, vệ sinh, thu gom rác thải và vận động mọi người ý thức bảo vệ môi trường”. Bí thư Nguyễn Hoàng Tùng