Bộ Giao thông Vận tải cho biết tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 75 triệu xe máy, trong đó có 2,3 triệu xe máy điện. Trong khi đó, Bộ Công Thương ghi nhận doanh số tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam, tăng khoảng 30% - 35% trong vài năm trở lại đây.
Việc dòng xe hai bánh thân thiện với môi trường có doanh số tăng dần được các chuyên gia nhận định đóng góp một phần đáng kể vào mục tiêu Net Zero và giảm phát thải carbon trong giao thông vận tải. Bên cạnh sự khuyến khích của Chính phủ Việt Nam, các hãng xe điện hiện nay đều có mục tiêu tăng cường sản lượng, đa dạng hoá sản phẩm tại thị trường trong nước.
Điển hình, ngày 21/1, hãng xe máy điện điện lớn nhất thế giới Yadea tiến hành xây dựng nhà máy hiện đại tại Khu công nghiệp Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Với khoản đầu tư 100 triệu USD, nhà máy mới có tổng diện tích khoảng 23,22 ha, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025. Yadea đặt mục tiêu có công suất hàng năm lên 2 triệu sản phẩm và tạo ra 3.000 việc làm.
Dù mới chỉ thành lập từ năm 2017, VinFast, đối thủ "nặng ký" của Yadea ở Việt Nam hiện cũng sở hữu nhà máy sản xuất xe máy điện trên tổng diện tích 6,4 hecta. Mọi quy trình sản xuất của thương hiệu này đều được tự động hóa tối đa, đảm bảo mỗi sản phẩm cung ứng ra thị trường đều sẽ vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Mục tiêu sản xuất của cơ sở chế tạo này có thể đạt 1 triệu xe/năm.
Một doanh nghiệp bán xe máy điện khác thuộc tập đoàn Sơn Hà cũng có nhà máy sản xuất ở khu vực với công suất đạt 30.000 xe/năm. Sang giai đoạn 2, doanh nghiệp này sẽ nghiên cứu, hợp tác với các đối tác nước ngoài để sản xuất ô tô điện phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những dữ kiện trên cho thấy các thương hiệu đều nhận định Việt Nam là thị trường trọng điểm về xe máy điện trong khu vực ASEAN. Trên thực tế, khách hàng trong nước, đặc biệt là nhóm người trẻ tuổi có xu hướng quan tâm đến các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhưng vẫn phù hợp với văn hoá tiêu dùng phương tiện 2 bánh.