Lượng không đi đôi với chất
Cách đây 4 năm, khi thể thao Việt Nam có 18 VĐV giành vé chính thức tới London tham dự Thế vận hội 2012, đấy đã được coi là cột mốc lịch sử, nhưng chỉ sau 4 năm, cột mốc lịch sử ấy đã bị xô đổ.
Vui mừng với sự phát triển vượt bậc của thể thao Việt Nam, song chúng ta cũng cần phải tỉnh táo để nhìn nhận rằng không phải lúc nào số lượng cũng song hành với chất lượng, nhất là tại một sân chơi thuộc dạng đỉnh cao của thể thao thế giới như Olympic.
Sở dĩ nói thế là bởi trong số 23 VĐV Việt Nam sắp có mặt tại Rio để tranh tài, có những người đã nhận được vé tham dự theo kiểu từ trên trời rơi xuống. Chẳng hạn như trường hợp của Đỗ Thị Anh (kiếm liễu nữ), VĐV đã thua VĐV Yuan Ping của New Zealand trong trận tranh vé dự Olympic Rio 2016 của khu vực châu Á, nhưng do trước đấy Yuan Ping đã thi đấu cho ĐT Trung Quốc nên Yuan Ping không được phép đại diện cho New Zealand tham dự Olympic Rio 2016. Vì thế, Đỗ Thị Anh đã được đôn lên thay thế Yuan Ping.
Hay ly kỳ hơn cả là câu chuyện của Nguyễn Thị Huyền, chủ nhân 2 kỷ lục tại SEA Games 28 năm 2015 ở nội dung 400m và 400m rào, nhưng thành tích của Huyền vẫn chưa đủ để được góp mặt vào danh sách tham dự Olympic Rio 2016. Tuy nhiên, do Liên đoàn điền kinh thế giới quy định mỗi nước chỉ được cử tối đa 3 VĐV cho mỗi nội dung tại Rio nên cuối cùng Huyền vẫn được tham dự Thế vận hội.
Vấn đề là trong khi hầu hết các VĐV khác của đoàn thể thao Việt Nam đều luyện tập rất chăm chỉ trong thời gian vừa qua thì Huyền đôi lúc lại có dấu hiệu xao lãng do những vấn đề bên ngoài đường chạy, đến mức nảy sinh mâu thuẫn với HLV và Tổng cục TDTT phải vào cuộc.
Treo thưởng tới hàng tỷ đồng
Giống như các kỳ Đại hội thể thao quốc tế khác, trước giờ lên đường sang Rio tranh tài, các VĐV Việt Nam cũng được hứa hẹn những phần thưởng hấp dẫn lên tới hàng trăm triệu đồng nếu giành huy chương. Đặc biệt, riêng các VĐV môn bắn súng được treo thưởng tới hàng tỷ đồng cho mỗi người nếu có mặt trên bục nhận huy chương tại Olympic Rio 2016.
Cụ thể, nhà bảo trợ cho Liên đoàn bắn súng Việt Nam là Công ty CPĐT Thể thao treo thưởng 1 tỉ đồng cho chiếc HCV, 800 triệu cho chiếc HCB và 600 triệu cho chiếc HCĐ Olympic 2016 của môn bắn súng. Tập đoàn Synopex của Hàn Quốc treo thưởng 50.000 USD cho HCV, hệ thống phân phối đồng hồ Gallewatch cũng treo thưởng 100 triệu đồng cho huy chương Olympic và tặng đồng hồ thương hiệu Festina cho VĐV đoạt huy chương.
Không ai ngạc nhiên vì điều này, bởi cách đây 4 năm, trước giờ lên đường sang London tham dự Olympic 2012, lãnh đạo ngành thể thao từng công bố mức thưởng từ 500 triệu cho đến 1 tỷ đồng, nếu các VĐV Việt Nam giành huy chương từ đồng đến vàng. Ngoài mức thưởng cao nhất 1 tỷ cho VĐV đoạt HCV, chúng ta còn có mức thưởng ngay tại trận: 5.000 USD/HCV, 3.000 USD/HCB và 2.000 USD/HCĐ.
Tuy nhiên, ở kỳ Thế vận hội năm đó, đoàn thể thao Việt Nam đã phải ra về với 2 bàn tay trắng, và không ai dám chắc doping tiền thưởng liệu có thể giúp thể thao Việt Nam tạo được sự khác biệt ở Olympic năm nay hay không, hay đơn giản đây chỉ là chiêu trò để các doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi theo kiểu “tiền treo cột mỡ”, bởi giành được huy chương Olympic là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và bài học ở London vẫn còn nóng hổi.