Thể thao Hà Nội: quên những món hay?
Thể thao Hà Nội tuy đứng đầu Đại hội TDTT toàn quốc 2010 nhưng không khỏi giật mình khi điểm lại số huy chương toàn ở các môn thiếu hấp dẫn!
“Hà Nội không thiếu tiền”. Đó là phát biểu của ông Hoàng Vĩnh Giang - chủ tịch Liên đoàn các môn thể thao Hà Nội - và từng nhiều năm giữ chức giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Thật vậy, những năm qua Hà Nội đã xây dựng Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao hoành tráng, hiện đại với trên 1.200 tỉ đồng. Hà Nội cũng là địa phương quy tụ nhiều VĐV nhất, nhiều môn thể thao nhất và đoạt nhiều huy chương nhất tại các giải đấu trong nước. Thế nhưng, những năm gần đây thể thao Hà Nội chỉ được biết đến với những môn như wushu, cầu mây, bóng đá nữ, đấu kiếm, lặn, nhảy cầu... trong khi điền kinh, bơi lội, bóng chuyền... đang dần mất dạng trên bản đồ thể thao VN.
Nỗi buồn tuột dốc ở điền kinh, bơi lội...
Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 5-2006, Hà Nội chỉ đoạt hai HCV điền kinh (đứng hạng sáu môn điền kinh). Tiếp đến Đại hội lần 6-2010 dù có hai HCV (nếu không tính ba HCV của các VĐV Hà Tây sau khi sáp nhập mang về), Hà Nội phải đứng ngoài top 10 ở môn điền kinh. Ít nhất hai SEA Games gần đây, không có VĐV điền kinh nào của Hà Nội đoạt HCV.
Những con số thật buồn khi điền kinh Hà Nội những năm 1990-2000 đã lẫy lừng với những Vũ Bích Hường (100m rào), Nguyễn Bích Vân (nhảy xa), Nguyễn Văn Lợi (rào nam), Nguyễn Thị Tĩnh (100m, 200m, 400m), Nguyễn Lan Anh (800m, 1500m)... Nhưng tại Đại hội TDTT 2010, điền kinh Hà Nội chỉ lấy được HCV 400m của Nguyễn Thị Thúy và HCV 4x400m tiếp sức nam.
Chung cảnh ngộ với điền kinh, tại đại hội 2010 Hà Nội chỉ có một HCV bơi lội, thua xa các đối thủ TP.HCM, Quân Đội, Đà Nẵng... Bể bơi Trịnh Hoài Đức thời gian này chỉ còn tay bơi Đỗ Huy Long là người có thể đoạt HCV cho Hà Nội tại Giải vô địch quốc gia. Năm 2010, Đỗ Huy Long đã chia tay đội tuyển quốc gia để học đại học. Tuy nhiên vì hết người nên Hà Nội cố bám vào Huy Long, ép VĐV này phải ở lại thi đấu hết đại hội để bơi lội Hà Nội không trở thành vùng trắng. Đau khi nhớ về những năm 2006, 2007, Hà Nội có đến 20-30 VĐV có thành tích quốc gia và thuê cả chuyên gia Nga về tập huấn. Thế mà nay vỏn vẹn chỉ hơn chục VĐV nhưng không thấy ai có thành tích.
Bóng chuyền mất tích, bóng bàn, cầu lông Hà Nội những năm gần đây cũng cạn kiệt tài năng hoặc có tài năng nhưng chưa kịp chín đã biến mất. Sau khi Nam Hải từ giã sự nghiệp, bóng bàn Hà Nội hiện chỉ còn lại Tuấn Quỳnh, và sau Tuấn Quỳnh vẫn không thấy ai kế cận...
Những năm 2007, 2008 cầu lông Hà Nội từng đặt chỉ tiêu sẽ có VĐV giành vé đến Olympic London 2012 hoặc Olympic 2016... Thế nhưng hết thế hệ này đến thế hệ khác cầu lông vẫn giẫm chân tại chỗ. Hằng năm ngoài kinh phí của sở, cầu lông Hà Nội được Ciputra tài trợ hơn 100.000 USD nhưng việc đưa VĐV đi Trung Quốc tập huấn, thuê chuyên gia vẫn chưa đủ khi vấn đề đạo đức của VĐV cầu lông luôn là việc đáng bàn.
Ông Lê Thanh Sang - tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông VN - cho rằng nếu Hà Nội không quan tâm đến giáo dục đạo đức, văn hóa cho VĐV thì dù có nhiều tài năng trẻ đấy nhưng rồi cũng sẽ mất hết vì sa ngã. Hà Nội cũng đang thiếu những người có tâm huyết với cầu lông để đưa những tài năng trẻ trở thành những tài năng trưởng thành thật sự, ông Sang nhấn mạnh.
Chế độ đãi ngộ quá kém
Là nơi có nhiều VĐV có thành tích nhưng chế độ đãi ngộ của Hà Nội đối với VĐV được coi là một trong những nơi kém nhất. Tất cả VĐV Hà Nội khi lên tập trung ở đội tuyển đều bị cắt tiền lương tại Hà Nội. Trong khi đó, VĐV các địa phương khác khi lên đội tuyển vẫn có tiền lương tại địa phương. VĐV marathon Nguyễn Thị Đông - một trong những VĐV điền kinh hiếm hoi của Hà Nội có huy chương ở các giải quốc gia, quốc tế những năm gần đây - cho biết hiện cô cũng chỉ nhận hơn 1 triệu đồng tiền lương/tháng ngoài tiền ăn.
Một VĐV bơi lội của Hà Nội chia sẻ: Từ tháng 6 đến tháng 12- 2010, chín VĐV bơi lội của Hà Nội được đưa đi tập huấn tại Côn Minh, Trung Quốc để chuẩn bị Đại hội TDTT 2010. Nhưng khi về nước không ai được nhận đồng lương nào từ bộ môn trong suốt sáu tháng. Hỏi lương ở đâu, các HLV ở đây cho biết đi tập huấn thì không có lương bởi mỗi người đã được nhận 2 USD tiêu vặt/ngày tại Côn Minh. “Đãi ngộ kém nên chúng tôi tập luyện vì đã trót theo chứ thành tích muốn lên cũng khó”, VĐV này cho biết.
Một HLV (xin được giấu tên) môn điền kinh của Hà Nội bộc bạch: “Dù có sân bãi nhưng do chế độ đãi ngộ kém nên Hà Nội khó vực dậy được những môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội... Ngay như VĐV của tôi khi có chút thành tích cũng muốn chuyển sang thi đấu cho địa phương khác để có thu nhập. Thật khó giữ họ khi VĐV có thành tích quốc gia mà Hà Nội chỉ trả lương hơn 1 triệu đồng/tháng...”.
Hà Nội được biết tới với đủ các môn thể thao từ mới đến cũ. Những môn như wushu, đấu kiếm, bi sắt, bắn đĩa bay... thậm chí là bóng gỗ, cầu mây, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc du nhập và phát triển. Nhưng muốn có thành tích ở Asiad, Olympic, thể thao Hà Nội phải nhìn lại hướng đầu tư của mình.
Theo K.Xuân
Tuổi Trẻ