The Beatles - nửa thế kỷ, một huyền thoại

Cách đây tròn nửa thế kỷ, nhóm nhạc The Beatles có lần xuất hiện mang tính lịch sử trên truyền hình Mỹ và vĩnh viễn thay đổi lịch sử âm nhạc thế giới.
Bốn chàng trai làm thay đổi diện mạo âm nhạc thế giới.

Tối 9/2, Paul McCartney và Ringo Starr - hai thành viên còn sống sót của ban nhạc huyền thoại sẽ xuất hiện trong chương trình đặc biệt mang tên: "The Beatles - The Night that Changed America". Cùng sự xuất hiện tại lễ trao giải Grammy lần thứ 56 vào 27/1 trước đó, đây được xem là sự khởi đầu cho một chuỗi hoạt động kỷ niệm nửa thế kỷ ngày The Beatles lần đầu đặt chân tới Mỹ và lên sóng truyền hình. Theo tờ New York Daily bình luận, lần đó The Beatles đã không chỉ thay đổi nước Mỹ mà còn thay đổi cả làng nhạc thế giới.

Cơn sốt mang tên Beatlemania

Tháng 3/1957, chàng trai John Lennon quyết định thành lập nhóm nhạc skiffle với một vài người bạn tại ngôi trường Quarry Bank và đặt tên nhóm là The Quarrymen. Bốn tháng sau, cậu thiếu niên 15 tuổi Paul McCartney gia nhập nhóm sau khi làm quen với John Lennon. George Harrison trở thành tay guitar chính của nhóm kể từ tháng 3/1958, trong khi mảnh ghép cuối cùng của bộ tứ là Ringo Starr được kết nạp vào năm 1962 (để thay thế Pete Best ở vai trò tay trống). Phải mất 5 năm, The Beatles mới được định hình hoàn chỉnh và bắt đầu chinh phục những đỉnh cao, với sự hỗ trợ của người quản lý Brian Epstein.

Vốn là ông chủ cửa hàng đĩa đồng thời là cây bút về âm nhạc, Epstein sớm nhận ra tiềm năng của The Beatles. Ông từng hồi tưởng về The Bealtes thời kỳ đầu: "Tôi ngay lập tức thích những gì mình được nghe, họ thật mới mẻ, rất thành thật và sở hữu tố chất ngôi sao". Cũng chính vì ý thức được The Beatles có thể đạt được thành công thương mại, Brian Epstein yêu cầu các thành viên trong nhóm ứng xử một cách chuyên nghiệp hơn. John Lennon tiết lộ rằng Epstein từng nói: "Nếu các cậu muốn vươn tới những nơi xa hơn, các cậu phải thay đổi: ngừng ăn trên sân khấu, ngừng chửi tục và hút thuốc đi".

Và như vậy, bốn chàng trai của thành phố cảng Liverpool khoác lên mình những bộ cánh chỉn chu thay vì thích gì mặc nấy như trước và nhanh chóng tác động tới giới trẻ nước Anh thời bấy giờ. Album đầu tiên của nhóm mang tên Please Please Mevới các ca khúc nổi tiếng như Love Me Do, Please Please Me hay Twist and Shout thống lĩnh bảng xếp hạng âm nhạc nước Anh vào năm 1963 - vốn từ trước là vị trí của nhạc phim hay những giọng ca dễ nghe. Các đĩa đơn tiếp theo như From Me to You rồi She Loves You đều gặt hái thành công rực rỡ, khiến các chàng trai bắt chước kiểu tóc cùng phong cách ăn mặc của The Beatles còn các cô gái thì phát cuồng bởi "Fab Four".

The Beatles và Ed Sullivan.

Sự nổi tiếng của The Beatles cùng lòng hâm mộ cuồng nhiệt của dư luận đã hình thành cụm từ "Beatlemania" (cơn sốt Beatles). Như sự sắp đặt của định mệnh, trong một lần có mặt tại sân bay Heathrow, Ed Sullivan - một tên tuổi của làng giải trí Mỹ - tận mắt chứng kiến sức hút của The Beatles. Ed Sullivan là nhân vật chính của chương trình truyền hình ăn khách hàng đầu nước Mỹ "The Ed Sullivan Show" (kéo dài từ năm 1948 đến 1971) và từng đứng chung sân khấu với những huyền thoại như Elvis Presley, nhóm The Jackson 5 hay The Supremes.

Nhìn thấy hàng trăm phóng viên, tay săn ảnh cũng như một rừng người hâm mộ chào đón The Beatles trở về Anh từ Stockholm, Sullivan phải tự hỏi những anh chàng này là ai và ví hiệu ứng của họ giống Elvis từng làm được. Ed Sullivan nhanh chóng liên hệ với Brian Epstein để đề nghị The Beatles biểu diễn một chương trình với mức cát-xê cao ngất ngưởng.

Nhận ra cơ hội không thể tuyệt vời hơn để ban nhạc được xuất hiện trước hàng chục triệu khán giả truyền hình, Epstein liền đưa ra một lời đề nghị khác: The Beatles nhận mức thù lao khiêm tốn, bù lại họ sẽ được góp mặt trong ba chương trình liên tiếp. Thỏa thuận được hình thành và tháng 2/1964, The Beatles lần đầu đặt chân tới nước Mỹ.

"Cuộc xâm lăng của nước Anh"

The Beatles đến Mỹ trong hồi hộp của khán giả nhà cùng sự hoài nghi của giới truyền thông xứ cờ hoa. Đơn giản bởi trước đó, gần như không có nghệ sĩ nào tới từ đảo quốc sương mù có được thành công lớn tại thị trường âm nhạc Mỹ. Ngay cả The Beatles, tuy đã gây dựng được danh tiếng tại Anh nhưng cũng chưa thâm nhập được vào Mỹ - nơi âm nhạc rock & roll mà bốn chàng trai theo đuổi đã nguội lạnh từ lâu.

The Beatles đặt chân tới sân bay JFK

Tám tuần trước ngày The Beatles tới Mỹ, tổng thống John F. Kennedy bất ngờ bị ám sát tại Dallas, Texas. Sự kiện này gây chấn động toàn cầu và để lại bầu không khí ảm đạm khắp nước Mỹ, nơi mà Kennedy cho đến nay vẫn là một trong những chính trị gia được yêu mến nhất. Không khí căng thẳng của Chiến tranh lạnh cộng thêm vụ ám sát đó khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, có cảm giác "trống rỗng, tựa như thế giới chỉ chực sụp đổ".

Vào ngày 10/12/1963, người dẫn chương trình của đài CBS là Walter Cronkite quyết định đưa tin về cơn sốt Beatlemania đang diễn ra ở Anh để giúp mọi thứ bớt u ám. Sau khi xem bản tin, cô gái 15 tuổi Marsha Albert viết thư gửi đài radio WWDC và đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta không có thứ âm nhạc này ở Mỹ?".

Tới ngày 17/12/1963, chính Albert được đài WWDC mời giới thiệu ca khúc mới I Want to Hold Your Hand của The Beatles trên sóng. Bài hát với phần lời nói về tình cảm của một chàng trai dành cho người mình yêu với những giai điệu xập xình bắt tai này nhanh chóng được thính giả ưa thích và khiến các cửa hàng đĩa tại Washington ngập tràn trong các đề nghị mua đĩa, dù họ chưa có ca khúc này. Việc tương tự diễn ra khi I Want to Hold Your Hand được phát tại các thành phố khác, khiến hãng Capitol Records quyết định phát hành đĩa đơn vào ngày 26/12.

Hiệu ứng mà ca khúc tạo ra là không thể tin nổi, chỉ trong ba ngày đầu đã có tới 250.000 đĩa được bán tại Mỹ. Việc được ra mắt vào đúng dịp nghỉ lễ đã giúp cơn sốt Beatlemania nhen nhóm trong giới trẻ tại Mỹ - nơi vốn quen những giọng ca ấm áp của Frank Sinatra hay Elvis Presley thay vì phong cách âm nhạc mới mẻ, trẻ trung của The Beatles.

Dòng người chào đón The Beatles.

Ngày 7/2/1964, The Beatles chính thức có mặt tại New York. Ngay từ trước khi bước xuống sân bay JFK (mới được đổi tên theo cố tổng thống Kennedy), nhóm nhạc đã được thông báo trước về những gì đang đợi mình.

Paul McCartney chia sẻ về khoảnh khắc lịch sử ấy: "Có một biển người ở sân bay, điều mà không ai có thể dự đoán trước. Chúng tôi đã nghe về nó từ khi còn trên máy bay. Đi cùng chúng tôi còn có phóng viên và phi công đã thông báo: 'Nói với các chàng trai rằng có một đám đông đang đợi họ!'. Chúng tôi nghĩ: 'Lạy Chúa tôi, chúng ta đã thực sự làm được điều này rồi'".

Ước tính có 4.000 người hâm mộ, 200 phóng viên và hơn 100 cảnh sát an ninh có mặt tại JFK để chào đón The Beatles từ chuyến bay 101 ngày hôm ấy. Khi các chàng trai bước xuống, cơn sốt Beatlemania thực sự bùng nổ khi tất cả chen lấn để được tận mắt nhìn thấy bộ tứ lừng danh. Sân bay JFK chưa bao giờ chứng kiến số người đông như vậy để đón một chuyến bay. Các cô gái liên tục gào thét tên thần tượng và một số người thậm chí phấn khích đến mức ngất xỉu. Khi đưa tin về sự kiện này vào buổi tối, đài CBS gọi đây là "The British Invasion" (Cuộc xâm lăng của nước Anh) - cụm từ sau này được dùng để chỉ trào lưu xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường âm nhạc Mỹ của các nghệ sĩ tới từ Anh như The Beatles, The Rolling Stones hay The Who.

The Beatles được đưa từ sân bay tới khách sạn Plaza như những siêu sao với bốn chiếc xe limousine dành riêng cho từng người còn radio thì tường thuật từng bước trong hành trình của họ. Sau một ngày nghỉ ngơi để lấy lại sức (George bị sốt 39 độ) và hàng giờ liền trả lời phỏng vấn, The Beatles chính thức xuất hiện trên chương trình The Ed Sullivan Show.

Ngày 9/2/1964, The Beatles là tâm điểm của cả nước Mỹ, khi dường như tất cả đều muốn ở nhà để xem trực tiếp "hiện tượng" tới từ nước Anh. Sau phần giới thiệu của Ed Sullivan - bao gồm cả lời chúc thành công từ "ông vua" Elvis Presley - là khoảnh khắc cột mốc trong lịch sử âm nhạc thế giới: The Beatles lần đầu lên sóng truyền hình Mỹ. Họ làm khán giả như phát điên với những tiếng gào thét cuồng nhiệt từ phía khán đài. Theo hãng Nielsen, ước tính có 73 triệu người Mỹ bật TV lên để xem chương trình ấy. Con số đó chiếm 45% dân số nước Mỹ - một kỷ lục truyền hình thời bấy giờ.

Các ca khúc được trình diễn khi đó bao gồm All My Loving, Till There Was You,She Loves You, I Saw Her Standing There và I Want to Hold Your Hand. Tới ngày 16/2, The Beatles lần thứ hai diễn trực tiếp trên truyền hình và thu hút 70 triệu người xem (chương trình thứ ba được thu sẵn). Họ trở về Anh sáu ngày sau đó và được chào đón bởi một vạn người hâm mộ tại sân bay Heathrow.

Làm nên kỳ tích về thống kê nhưng có lẽ ngay cả The Beatles cũng như khán giả ngày ấy không thể ngờ rằng chuyến lưu diễn làm thay đổi diện mạo âm nhạc mạnh mẽ đến mức nào.

Nửa thế kỷ, một huyền thoại

20 đĩa đơn và 19 album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, 15 bản thu được lưu danh trong Grammy Hall of Fame, The Beatles trở thành nhóm nhạc thành công nhất mọi thời. Vào ngày 4/4/1964, họ lập nên cột mốc vô tiền khoáng hậu: chiếm lĩnh cả 5 vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng Hot 100 Billboard. Cho đến ngày nay, The Beatles vẫn độc tôn ngôi đầu ở lượng đĩa bán ra với hơn 600 triệu bản trên toàn cầu, dù ban nhạc đã tan rã từ năm 1970.

The Beatles chứng tỏ sức hút khi tự mình chơi các nhạc cụ và biểu diễn ca khúc do chính mình sáng tác. Họ mở đường cho các nghệ sĩ Anh khác bước vào làng giải trí Mỹ đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ theo đuổi ước mơ âm nhạc và thành danh sau này. Sau Thế chiến đệ nhị, một thế hệ mới được sinh ra. Họ là những con người trẻ, giàu khát khao và chỉ chờ một cú thúc là có thể tung cánh. Cú thúc ấy đối với thanh niên Mỹ chính là sự xuất hiện trên sóng truyền hình của The Beatles vào năm 1964.

Và tối 9/2, Paul McCartney cùng Ringo Starr sẽ lại xuất hiện để tiếp tục gợi nhắc người yêu nhạc nước Mỹ và cả thế giới về một huyền thoại - The Beatles vốn chưa bao giờ bị quên lãng.

Theo Thịnh Joey

Theo VnExpress