> Vì sao VFF chưa đồng ý cho ông Phúc từ chức?
> V-League 2014: VFF ra chiêu chống tiêu cực
Có thể liệt kê lại ở đây những quyết sách mới của VFF, được đưa ra chỉ trong vòng 1 tuần lễ vừa qua: 1.Thuê chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản) làm Trưởng BTC giải V.League; 2. Xây dựng hệ thống HLV cho các cấp đội tuyển, để khi cần có thể “trưng dụng”. 3. Tập trung cho công tác đào tạo trẻ, thể hiện qua các kế hoạch đối với đội tuyển U19. Điểm xuyết trong đó là việc treo thưởng cho trọng tài tố cáo bị hối lộ, với số tiền gấp ba khoản tiền hối lộ.
Từng nấy giải pháp đưa ra có thể chưa đạt đến tầm một cuộc cách mạng, nhưng nếu phát huy trong thực tiễn thì sẽ khiến bộ mặt của bóng đá Việt Nam thay đổi trên diện rộng, từ CLB đến các cấp độ ĐTQG. Bàn về vấn đề này, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh hôm qua nói:
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, các giải pháp VFF đưa ra, như thuê chuyên gia ngoại, cần phải tính tới đặc thù của bóng đá Việt Nam, nếu không sẽ có nguy cơ không phát huy được hiệu quả.
“Tôi cho đây là tín hiệu tốt, là một động thái đổi mới chứ trước đến giờ chúng ta trì trệ quá. Tôi chỉ đơn cử như vấn đề trọng tài, theo tôi công tác trọng tài chiếm tới 70% sự thành công của các giải đấu.
Loại đi những trọng tài yếu kém không chỉ khiến kích thích tinh thần các CLB mà những trọng tài chân chính người ta cũng phấn khởi, có động lực để phấn đấu”.
Một ví dụ khác ông Nguyễn Hồng Thanh đưa ra để dẫn chứng cho sự yếu kém trong một thời gian dài của bóng đá Việt Nam, là sự sa sút của các ĐTQG.
“Ngay việc tổ chức, điều hành giải đấu của mình cũng đã khiến các ĐTQG yếu đi. Trong suốt một thời gian dài chúng ta không đào tạo ra được một tiền đạo tốt. Đội tuyển gần như không biết ghi bàn. Ở cả V.League và hạng Nhất, VFF mãi gần đây mới siết lại các quy định về sử dụng cầu thủ ngoại. Ngoại binh được dùng tràn lan thì làm gì còn chỗ cho cầu thủ trẻ phát triển”-ông Thanh cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, nếu VFF có thể làm được như tuyên bố thì bóng đá Việt Nam có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Làm cách mạng bằng người cũ?
Chưa có một cuộc điều tra xã hội nào được tiến hành, nhưng có thể tin sự thất vọng của dư luận và đông đảo người hâm mộ đối với VFF đã ngày một tăng trong thời gian qua, sau rất nhiều những thất bại liên tiếp. Kể từ sau chức vô địch AFF cup 2008 mang nhiều yếu tố may mắn, bóng đá Việt Nam chưa một lần hưởng niềm vui chiến thắng. Thay vào đó là những thất bại nặng nề đối với cả ĐTQG và U23.
Không phải vô cớ khi người hâm mộ đón nhận những tín hiệu thay đổi vừa qua của VFF một cách dè dặt. Nhiều ý kiến lo ngại, vẫn với những gương mặt cũ trong đội ngũ lãnh đạo VFF, bóng đá Việt Nam khó có thể tạo nên đột biến. Trên diễn đàn nhiều tờ báo điện tử và trang cá nhân, nhiều CĐV đòi hỏi phải thay mới nhân sự lãnh đạo VFF một cách triệt để.
Chuyên gia Lê Thế Thọ khi trao đổi với Tiền Phong hôm qua đã thể hiện sự băn khoăn. “Nếu nói những người ở VFF hiện nay giỏi, thì 2 nhiệm kỳ vừa qua họ đã làm được gì? Tôi nói ra thì nhiều người khó chịu, nhưng Thường trực VFF họ phải là những người cần thay đổi trước”-chuyên gia Lê Thế Thọ nói.
Cũng theo chuyên gia Lê Thế Thọ, ở VFF từ trước đến nay, “không có cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân”. Khi có vấn đề phát sinh, thì chịu trách nhiệm luôn là “Thường trực”. Nếu không thay đổi cách thức hoạt động của VFF, không quy rõ trách nhiệm thì VFF khó có thể hoạt động hiệu quả.
“Thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam đến giờ đâu có ai phải chịu trách nhiệm? Anh Hỷ làm chủ tịch nhưng hiện nay đã rút lui rồi, mà thực ra quy cho mình anh ấy cũng không đúng với thực tế”-ông Thọ cho biết.