Thấp thỏm chờ thưởng Tết

TP - Cuối năm, công nhân mong ngóng nhất là thưởng Tết. Đây cũng là động lực để họ gắn bó với công việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) ở phía Nam vẫn chưa công bố mức thưởng khiến người lao động (NLĐ) thấp thỏm đợi chờ.

Chủ DN "bùng" lương thưởng

Gần cả tuần qua, chị Nguyễn Thị Thanh (34 tuổi, công nhân một công ty trong lĩnh vực gia công giày, quận 12, TPHCM) thấp thỏm ngóng thông tin về lương, thưởng Tết. Nữ công nhân có gần 10 năm trong nghề tâm sự, từ sau dịch bệnh COVID-19 đến nay, công ty gặp khó khăn về đơn hàng, mỗi tuần chỉ còn hoạt động khoảng 4 ngày, công nhân luân phiên nghỉ việc nên thu nhập giảm rất nhiều.

Công nhân sản xuất trong doanh nghiệp ở Bình Dương ảnh: H.C

“DN gặp khó nên không biết năm nay thưởng Tết ra sao. Đã hai năm qua tôi không về quê ở Cà Mau đón Tết cùng gia đình. Năm nay, chỉ hy vọng có chút thưởng để mua quà về quê cho tụi nhỏ nhưng tới giờ vẫn chưa nghe tin gì từ công ty” - chị Thanh buồn bã nói.

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà làm việc tại Công ty Sản xuất gỗ xuất khẩu Ngũ Lâm Việt (phường Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho hay, từ hơn nửa năm nay, công ty thiếu đơn hàng, nhiều công nhân phải tạm nghỉ việc. Chị Hà cho biết: “Hai dâychuyền sản xuất giờ chỉ còn vận hành một. Không có việc làm, chồng tôi xin đi phụ hồ, tôi cố bám trụ ở công ty với thu nhập chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng”.

Khi nhắc về tiền thưởng Tết, chị Hà nói công ty chưa công bố. Với tình hình việc làm như hiện tại, chị chỉ mong công ty hỗ trợ phần nào để có thêm chút tiền về quê đón Tết với gia đình.

Anh Trịnh Xuân Quyết (quê Thanh Hóa) làm công nhân tại Công ty TNHH Sản xuất Khang Gia, Bình Dương thấu hiểu khó khăn của DN trong năm qua. “Tôi biết, NLĐ khó một thì DN khó mười nên có thưởng Tết hay không, tôi cũng không buồn lắm, miễn là có chỗ làm ổn định, được nhận lương đầy đủ hàng tháng” - anh Quyết bày tỏ.

Trái với nhiều nơi NLĐ trông chờ thưởng Tết, những ngày qua hàng chục công nhân Công ty TNHH May mặc M.G (phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa) gần như vô vọng khi ông chủ người Hàn Quốc cùng người có trách nhiệm ở công ty đã “bặt vô âm tín”, bỏ đi với nhiều tháng lương của NLĐ chưa trả. Xác minh ban đầu từ Công an phường Tam Hiệp, lãnh đạo công ty này đã dọn đi từ 3/12, hiện DN này còn nợ hơn 660 triệu đồng tiền thuê nhà và tiền lương gần 250 triệu đồng của 20 công nhân.

Vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ NLĐ

Những ngày gần đây, hơn 300 NLĐ của Công ty CP In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) đón tin vui khi trước dịp nghỉ Tết Dương lịch sẽ được tạm ứng 2 tháng tiền thưởng Tết Âm lịch. Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch công đoàn Công ty CP In số 7 chia sẻ, năm 2022, công ty gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sụt giảm, việc xuất khẩu, nhập nguyên liệu không thuận lợi, dịch COVID-19 vẫn còn... Tuy nhiên, người lao động đã đồng cam cộng khổ, nỗ lực cùng công ty làm việc để hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

“Để tri ân NLĐ, ngoài lương tháng 13 (tương đương 3 tháng lương thực lĩnh), công ty còn thưởng Tết Âm lịch 7 triệu đồng/người; Tết Dương lịch 2 triệu đồng/người; thưởng xếp loại bình quân 3 triệu đồng/người, lì xì đầu năm 1 triệu đồng/người… Tất cả thông tin đều được công ty công bố, nhằm tạo động lực cho NLĐ cố gắng hoàn thành mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra” - ông Tâm cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Thông Dụng (Bình Dương), nơi có gần 8.000 lao động cho biết, việc sản xuất kinh doanh của DN đang có tín hiệu khả quan. Để đảm bảo nhân lực đáp ứng kế hoạch phát triển năm tới, công ty đang tuyển thêm hơn 700 lao động.

“Chúng tôi luôn có những cuộc đối thoại với NLĐ để mọi người nắm bắt kịp thời tình hình, yên tâm làm việc. Tết năm nay, ngoài thưởng một tháng lương, NLĐ sẽ được nhận quà từ công đoàn. Đối với lao động có hoàn cảnh khó khăn, ngoài nhận thưởng còn có chế độ khác”, ông Tiến cho biết.

Tại Đồng Nai, Công ty TNHH Hwaseung Vina ( có hơn 15.000 lao động tại huyện Nhơn Trạch) đã quyết định thưởng một tháng lương, hỗ trợ 70% vé xe cho công nhân có nhu cầu về quê đón Tết, tặng quà khi công nhân đi làm trở lại.

Tương tự, Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, TP Biên Hoà) tuy gặp khó khăn về đơn hàng nhưng đã công bố thưởng Tết cho 35.000 lao động. Theo đó, mức thưởng cao nhất lên tới 135% so với lương cơ bản. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina cho biết: “Ngoài thưởng Tết, chúng tôi cố gắng giữ lại tất cả phúc lợi của NLĐ được thụ hưởng theo quy định. Công nhân về quê được công ty hỗ trợ 30-50% vé xe tương ứng chiều đi và về”.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương thông tin, đến thời điểm này chưa nhận được danh sách DN công bố thưởng Tết. Tuy nhiên, qua khảo sát, các DN có tổ chức công đoàn vẫn giữ chế độ thưởng Tết như năm trước, ít nhất là một tháng lương cơ bản.

“Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết sớm và sẽ triển khai hoàn tất trong tháng 12 Dương lịch. Ngoài việc tổ chức Phiên chợ Tết, NLĐ khó khăn được công đoàn hỗ trợ 500.000 đồng/người. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn vận động nguồn lực để chăm lo hỗ trợ cho NLĐ giảm giờ làm; tạm hoãn lao động. Đối với NLĐ có nhu cầu về quê đón Tết, công đoàn sẽ hỗ trợ vé xe, tàu” - bà Loan nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, hàng năm, tỉnh đều có chính sách hỗ trợ NLĐ ở lại Bình Dương đón Tết. Do tình hình kinh tế khó khăn nên Tết năm nay, số lượng người ở lại ăn Tết sẽ nhiều hơn mọi năm. Do đó, địa phương sẽ tăng thêm 50% số phần quà hỗ trợ so với năm 2022, dự kiến gần 50.000 suất quà cho NLĐ ở lại ăn Tết.