Khóa học bổng ngắn hạn này dành cho Việt Nam được tài trợ bởi Chính phủ Australia thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), trong khuôn khổ Trung tâm Việt – Úc (VAC). Đây là khóa học được thực hiện bởi Đại học Curtin (Australia) với sự cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ (GeLEAD) thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Thông qua khóa học, học viên được trao cơ hội để nâng cao kỹ năng lãnh đạo, mở rộng mạng lưới quan hệ, nâng cao kiến thức và nhận thức về bình đẳng giới, góp phần tăng tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo. Điều quan trọng hơn cả là áp dụng những kiến thức học được vào chính đơn vị công tác của mình. Một trong những trọng tâm của khóa này giúp tạo nên sự gắn kết và bao trùm người khuyết tật vào các khía cạnh của đời sống.
Chị Trần Thúy Quỳnh Ngân đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực Người khuyết tật (DRD), thành viên của khóa học bổng ngắn hạn "Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo" lần 5, năm 2023 cho biết trong thời gian tham gia khóa học, chị được trang bị các kiến thức liên quan đến kỹ năng lãnh đạo, nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới, tham gia các hoạt động trải nghiệm và gặp gỡ các nhân vật truyền cảm hứng.
Những kiến thức cũng như kỹ năng này kết hợp với kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông tại một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật, chị Ngân đã có cơ hội hệ thống hóa và áp dụng ngay vào dự án cá nhân trong khuôn khổ khóa học.
Theo chị Ngân, phụ nữ khuyết tật không chỉ đối diện với vấn đề phân biệt đối xử về giới mà còn bị phân biệt đối xử dựa trên khuyết tật. Bên cạnh đó, chủ đề bạo lực, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới, thường được xem là vấn đề nhạy cảm và phần lớn vẫn chưa được đề cập đến trong các cuộc thảo luận công khai. Người khuyết tật cũng đối diện với nhiều hình thức bạo lực khác nhau nhưng nạn nhân thường có xu hướng che giấu và chịu đựng đau khổ trong im lặng.
"Đó là lý do dự án "Bộ công cụ nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới (gender-based violence)" ra đời. Mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức về các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác nhau đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong bối cảnh hòa nhập xã hội" - chị Ngân nói.
Bộ công cụ phát triển dựa trên nghiên cứu về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật trong hòa nhập xã hội tại cộng đồng thuộc các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước do DRD thực hiện. Với cách tiếp cận sáng tạo, bộ công cụ như một trò chơi phù hợp cho các buổi sinh hoạt tập thể, các lớp tập huấn.
Thông qua trò chơi, các kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới sẽ trở nên gần gũi hơn, những khái niệm mang tính học thuật sẽ được chuyển hóa bằng hình ảnh minh họa sinh động. Đặc biệt, phần minh họa của bộ công cụ được lấy cảm hứng từ nhân vật Koala, một biểu tượng của đất nước Australia. Bộ công cụ với hai hình thức thẻ online và thẻ phiên bản giấy giúp tiếp cận đa dạng các nhóm đối tượng.
Cũng là học viên khoá 5 của Hành trình, Chị Nguyễn Thị Quý đến từ Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã mạnh dạn đưa những kiến thức mình đã học được vào dự án "Nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ (Clb) Sinh viên khuyết tật Hoa Đá".
Clb Hoa Đá như mái nhà của sinh viên khuyết tật tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Mục đích của Clb là tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong học tập và đời sống cá nhân, đồng thời Clb cũng là tiếng nói đại diện cho sinh viên khuyết tật để đề xuất nguyện vọng, kiến nghị với nhà trường nhằm tăng cường cơ hội tham gia bình đẳng của sinh viên khuyết tật.
Theo chị Quý, mặc dù Clb đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực cho học sinh khuyết tật nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Dự án mà chị Quý nỗ lực thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Clb Hoa Đá, đồng thời khắc phục những hạn chế đó.
"Chúng tôi có 3 mục tiêu cụ thể cho dự án này. Đó là thúc đẩy hiểu biết về khuyết tật của các thành viên ban chủ nhiệm và thành viên Clb, đặc biệt là hiểu biết về hòa nhập khuyết tật và mô hình khuyết tật dựa trên quyền; Nâng cao kiến thức và kỹ năng về gây quỹ cho các thành viên chủ nhiệm Clb, từ đó giúp Clb có khả năng tìm kiếm và tiếp cận các nguồn tài trợ phong phú hơn; Nâng cao kỹ năng định hướng di chuyển cho sinh viên khiếm thị trong để sinh viên có thể chủ động và độc lập hơn trong cuộc sống cá nhân và các hoạt động của Clb" - chị Quý nhấn mạnh.
“Hành trình Hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo" lần 5 (WILJ5) năm 2023 là một sáng kiến thuộc hợp phần “Thúc đẩy Vai trò Lãnh đạo của Phụ nữ” trong khuôn khổ chương trình Australia cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills). Ưu tiên của khóa học là tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong các tổ chức và cơ quan, và tác động đối với quá trình ra quyết định trong lĩnh vực chính trị, khu vực công và khu vực tư nhân. Khóa hành trình đã và vẫn đang tiếp tục đóng góp và đẩy mạnh những hoạt động về bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo.
Trung tâm Việt-Úc (VAC) là sáng kiến hợp tác song phương nhằm cung cấp các hoạt động đào tạo, xây dựng năng lực và nghiên cứu, tập hợp các chuyên gia Úc và Việt Nam nhằm hỗ trợ vai trò lãnh đạo tương lai của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức quốc gia, khu vực và quốc tế. Thông tin thêm về VAC xem tại https://vietauscentre.org/ve-vac/
Trường Đại học Curtin nổi tiếng toàn cầu về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, giúp trường lọt vào top 1% các trường đại học trên toàn thế giới trong Bảng xếp hạng học thuật năm 2023. Thông tin thêm về Trường Đại học Curtin xem tại https://www.curtin.edu.au