Theo đó, Trung tâm nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm – RCID được thành lập sẽ góp phần kêu gọi được nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm giúp lĩnh vực nghiên cứu này lớn mạnh hơn. RCID sẽ trở thành một trong những Trung tâm nghiên cứu lớn về các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước.
Trong dài hạn, Trung tâm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng sáng tạo và cung cấp các giải pháp công nghệ và dịch vụ nhằm ứng phó với dịch bệnh cho xã hội. Trung tâm có sứ mạng nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản đi đôi với nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm.
Trong tương lai, RCID hướng đến các mục tiêu trở thành đơn vị nghiên cứu mạnh từ nền tảng cơ hữu cũng như thu hút hợp tác đa ngành trong nước và quốc tế về bệnh truyền nhiễm trên người và động vật, để thực hiện các nghiên cứu quản lý dữ liệu dịch bệnh, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng cơ chế gây bệnh, nghiên cứu ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ kit chẩn đoán, phát triển vaccine, kháng thể đơn dòng, thuốc điều trị ứng phó với các dịch bệnh như COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ký sinh trùng… trong hiện tại và tương lai.
Tổng giá trị tài sản đầu tư và thực hiện nghiên cứu dự kiến cho Trung tâm trong giai đoạn 2021-2026 là: 145 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của ĐHQG- HCM và đối ứng của Trường ĐHQT (37 tỷ đồng).
Tính đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan đến tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 254 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 5 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, tính đến ngày 20/11, số mắc COVID- 19 đã vượt mốc 1 triệu người và có hơn 23.000 người tử vong. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả các mặt của cuộc sống như việc làm, học tập, du lịch, giải trí, văn hóa, sức khỏe, kinh tế cũng như giao tiếp giữa người và người.