Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện.
Theo số liệu của UBND các huyện, thị xã, thành phố, số người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay là khoảng trên 185.700 người (với trên 6.500 trẻ em). Có khoảng 35% lao động trở về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch; số lao động này phần lớn vẫn còn nguyên vọng, hết dịch sẽ trở lại chỗ làm việc cũ.
Số lao động trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và học nghề: 26.800 lao động (chiếm 14,4%), lao động nữ là 13.880 người (chiếm 51,8%). Trong đó: số lao động có nhu cầu đào tạo nghề: 1.300 người (chiếm 4,9%); số lao động có nhu cầu việc làm: 25.500 người (chiếm 95,1%). Nhu cầu học nghề của người lao động chủ yếu tập trung vào các nghề như lái xe ô tô, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, điện lạnh, cơ khí, hàn, điện tử, điện nước... Số lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm là 1.680 người với tổng số vốn đề nghị vay là trên 136 tỷ đồng.
Đến ngày 5/10/2021, nhu cầu cần tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 50.000 lao động, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Trên cơ sở đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.
Cụ thể, tại Khu kinh tế Nghi Sơn có 35 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng: 16.155 lao động (trong đó: công nhân giầy da, may mặc là 13.704 lao động, công nhân luyện gang thép 414 lao động...); tại Khu công nghiệp Đình Hương -Tây Bắc Ga, Khu công nghiệp Hoàng Long, Khu công nghiệp Lễ Môn có trên 10 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng: 10.530 lao động (trong đó công nhân giầy da 3.700 lao động, công nhân may 2.000 lao động, lao động phổ thông 3.000 lao động); Khu công nghiệp Bỉm Sơn có 9 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng: 776 lao động chủ yếu là lao động quản lý và lao động phổ thông.Tại các cụm công nghiệp địa phương có trên 50 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng: 33.698 lao động (trong đó công nhân giầy da 19.000 người, công nhân may 12.000 người).
Số lao động đã được hỗ trợ tạo việc làm: 19.064 lao động, trong đó tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.500 người và tại các cụm công nghiệp huyện là 6.700 người, chủ yếu là may mặc, giày da với mức thu nhập hàng tháng 6.000.000 đồng/người-8.000.000 đồng/người.
Số lao động đã được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 72 lao động, chủ yếu tập trung vào các nghề: Hàn, cơ khí, lái xe, điện lạnh... Dự kiến sẽ tổ chức đào tạo 40 lớp thuộc các nghề hàn, cơ khí, lái xe, điện lạnh, điện tử... với 1.227 lao động. Tổng số lao động đã đăng ký vay vốn giải quyết việc làm là 613 người với tổng số tiền đăng ký xin vay là 51.135 triệu đồng. Trong đó: Số lao động đã được vay vốn: 24 lao động, với tổng số tiền đã giải ngân là 1.660 triệu đồng. Số lao động xin vay vốn đã có hồ sơ, Ngân hàng Chính sách xã hội đang thẩm định là 23 người với tổng số vốn là 1.700 triệu đồng.
Trong thời gian ngắn từ khi Phương án đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch được phê duyệt, với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan, đã góp phần tạo điều kiện cho người lao động trở về từ vùng dịch có cơ hội tìm việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp người lao động trở về vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng Thanh Hóa sẽ tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm của lao động trở về từ vùng dịch; Tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm mới như, tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút lao động trở về từ vùng dịch vào làm việc. Hỗ trợ kinh phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm. Tổ chức sàn giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động…