Thăm tổng hành dinh Chaebol hàng đầu Hàn Quốc

TP - Ngoài sâm và kim chi, những ai quan tâm tới kinh tế còn biết Hàn Quốc còn một “đặc sản” nữa, đó là các chaebol (tiếng Hàn- có nghĩa là đại Cty).
Nhân viên Samsung giới thiệu các tính năng của sản phẩm mới

Trên các trang báo buổi sáng tràn ngập các thông tin về những chaebol sừng sỏ mà người dân ở Việt Nam cũng đã quen thuộc như Hyundai, Samsung, LG, Daewoo, SK…

Cô Shin Youn Yu, đang thực tập tại một Cty du lịch, cho rằng: Người dân Hàn rất quan tâm tới tin tức từ các chaebol bởi hoạt động của các chaebol có thể ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ.

Chúng tôi có cơ hội ghé thăm tổng hành dinh của Samsung tại Suwon. Tại thời điểm này, Samsung có 143.000 nhân viên, trong đó 85.000 nhân viên bản địa và 58.000 người đủ mọi màu da ở 56 nước trên thế giới.

Doanh thu bán ra năm 2006 của Samsung đạt 63,4 tỷ USD với tiêu thụ nội địa chỉ 11,4 tỷ còn lại 52 tỷ USD bán cho người tiêu dùng khắp thế giới. Cũng cần làm một so sánh nhỏ để thấy vai trò của chaebol tầm cỡ Samsung quan trọng thế nào với đất nước và người dân Hàn Quốc.

Doanh thu 2006 của Samsung tương đương 16% GDP của Hàn Quốc và nhỉnh hơn 80 triệu dân ta làm trong 1 năm. So sánh để thấy rằng, trong tiến trình hóa rồng cả nước đang theo đuổi, Việt Nam cần lắm những tập đoàn như thế.

Giám đốc Tiếp thị ngành hàng truyền thông kỹ thuật số Nelson Allen là thế hệ đầu tiên của thời kỳ tạm gọi là “đổi mới” ở Samsung, bước chuyển quan trọng đưa Samsung từ một chaebol nội địa trở thành một tập đoàn toàn cầu.

Năm 1997, lãnh đạo tập đoàn Samsung quyết định thay đổi căn bản chính sách tuyển dụng nhân sự cao cấp. Trước đây, dù đã có tiếng trên thế giới nhưng Samsung vẫn là tập đoàn của Hàn Quốc với gần như toàn bộ nhân viên là người bản địa vốn được đào luyện trong môi trường văn hóa kỷ luật cao, làm giảm đáng kể năng lực sáng tạo của nhân viên.

Đồng thời chỉ với nhân viên người Hàn Quốc thì rất khó thâm nhập vào các thị trường nước ngoài mang tính cạnh tranh cao. Samsung quyết định tuyển mộ hàng loạt nhân viên cao cấp từ Bắc Mỹ, châu Âu với vị trí đầu tiên là các chuyên gia tư vấn. Nelson là một trong những người như vậy.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Phó Tổng Giám đốc Samsung Vina - đánh giá: “Đây là những nhân tài thực sự đã góp phần giúp Samsung vượt thoát cuộc khủng hoảng tài chính khu vực nổ ra vài tháng sau đó đồng thời góp phần làm thay đổi sâu sắc văn hóa Cty.

Samsung giờ không còn là Cty Hàn Quốc nữa mà đã trở thành tập đoàn đa quốc gia với những tài năng thực sự được trọng dụng mà không nhất thiết phải mang quốc tịch Hàn”.

Nelson tự hào cho rằng, cải cách của tập đoàn sau 10 năm đã góp phần đưa Samsung lên vị trí dẫn đầu ở nhiều lĩnh vực. Xét về bề dày truyền thống thì Samsung chỉ là “tân binh” nhưng đã gặt hái được những thành quả mà các “cựu binh” thèm khát.

Nhiều ngành hàng thuộc loại cạnh tranh khốc liệt nhưng Samsung vẫn giành được những vị thế hết sức quan trọng. Samsung có 8 ngành hàng dẫn đầu thế giới về thị phần như: Màn hình máy tính (22,6%), tivi LCD và Plasma (14%), máy in laser đa chức năng (23%), màn hình LCD (21%), bộ nhớ động và bộ nhớ tĩnh (33%), chip giải mã (19%), ổ nhớ Flash (31%). Các ngành hàng khác như điện thọai di động, điện gia dụng… cũng chiếm thứ hạng cao.

Bảo tàng Samsung ở Suwon chứa đựng nhiều bí quyết thành công của Tập đoàn

Suwon vừa là tổng hành dinh, trung tâm nghiên cứu đồng thời cũng là 1 trong 8 tổ hợp sản xuất của Samsung trên toàn quốc. Nơi đây được coi là “thung lũng kỹ thuật” của tập đoàn, nơi  xuất phát của tất cả các giải pháp kỹ thuật, các sản phẩm mới, hiện đại mang tính ứng dụng cao cung cấp cho thị trường và cũng là nơi góp phần chính làm nên bộ mặt của Samsung ngày nay.

Tổng diện tích tổng hành dinh lên tới 1,7 triệu m2, với 3 tòa nhà cao 38 tầng – nơi làm việc của 22.000 công nhân “cổ trắng” là những nhà khoa học, chuyên viên nghiên cứu, kỹ thuật viên… Những nhân viên này năm 2006 đã “tiêu” hết 6 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chiếm tới trên 7% tổng doanh thu. Đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu phát triển cũng là điểm nhấn quan trọng của Samsung.

Sau khi rời Suwon, chúng tôi ghé thăm thành phố Gumi cách thủ đô Seoul 257 km về phía Nam. Gumi là thành phố nhỏ chỉ có 384.000 dân nhưng diện tích lại rộng hơn Seoul và là thành phố công nghiệp quan trọng của Hàn Quốc. Nơi đây có khu công nghiệp khổng lồ diện tích 2.162 ha với gần 1.000 nhà máy và 75.000 công nhân.

Samsung cũng có 2 nhà máy tại đây với 12.300 công nhân cổ xanh đứng máy sản xuất 4 loại sản phẩm chính, bao gồm: điện thoại di động, thiết bị mạng, sản phẩm lưu trữ và thiết bị in.

Ở những nước đang phát triển sử dụng công nghệ thô sơ nên cần nhiều công nhân đứng máy. Với nước đã phát triển như Hàn Quốc và đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất sản phẩm hàm lượng chất xám cao, thường một dây chuyền sử dụng rất ít công nhân. Tổ hợp Samsung Industry Complex ở Samsung là nhà máy như thế.

Hoa tươi đặt khắp nơi trong nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Gumi

Chúng tôi được hướng dẫn tham quan dây chuyền sản xuất điện thoại di động với công suất 12.000 chiếc/ngày mà chỉ có chưa tới 10 công nhân đang làm những công việc khá đơn giản như thử máy, đóng gói và dán nhãn. Hàng chục công đoạn quan trọng khác đều thực hiện bằng máy.

Cũng chỉ có máy móc mới có thể gắn chính xác tuyệt đối tới trên 1.000 linh kiện trên một bo mạch nhỏ xíu của chiếc điện thoại E840 hiện cũng đang được bán tại Việt Nam. Khi chúng tôi ghé thăm, có 40 dây chuyền như vậy đang chạy hết công suất để cùng lúc cung cấp nhiều loại điện thọai khác nhau cho thị trường.

Ông Won Hwan Shin - Giám đốc Nhân sự Samsung Industry Complex - cho biết: Năm 2006 tổ hợp của ông đã sản xuất 120 triệu điện thoại di động, bán ra khắp thế giới, đạt doanh thu 23 tỷ USD, đứng thứ sáu toàn Hàn Quốc về các doanh nghiệp có doanh thu cao nhất.

Điều đọng lại của chúng tôi sau chuyến “thâm nhập” tổng hành dinh tập đoàn toàn cầu này là quyết tâm rất cao của người Hàn Quốc.

Không chỉ chuyện cải cách bộ máy, chúng tôi còn được nghe chính nhân viên Samsung kể rằng, có lần chỉ vì không hài lòng với kiểu dáng của một loại điện thoại di động mới mà ông Chủ tịch Tập đoàn đã đập tan chiếc điện thọai trong buổi lễ long trọng ra mắt sản phẩm và hủy toàn bộ lô hàng 60.000 chiếc thành phẩm để làm lại từ đầu. 

Trường Điền

Hiện, Samsung đứng ở vị trí 21 trong danh sách 100 thương hiệu hàng đầu thế giới với giá trị thương hiệu được định giá gần 17 tỷ USD. Vào năm 2003, Samsung mới được định giá gần 11 tỷ USD và đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng.

Ông Nelson Allen - Giám đốc Tiếp thị ngành hàng truyền thông kỹ thuật số - cho biết: “Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn Samsung đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng. Mục tiêu của Samsung là trở thành Cty đứng đầu thế giới”.