> Thầy trò Bách khoa và con tàu đệm khí
> Cận cảnh tàu ngầm đầu tiên của Iran
Nhóm SV khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách Khoa TPHCM gồm 5 thành viên: Trần Khánh Duyệt, Vy Bảo Thịnh, Nguyễn Minh Phát, Ngô Trung Tuyến, Võ Trọng Thi.
Công trình được hoàn thành sau hơn một năm rưỡi tính toán và thiết kế, dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Đình Tuân, chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật tàu thủy (khoa Kỹ thuật giao thông).
Tàu đệm khí dài 4,7m, rộng 2,2m, trọng lượng không tải là 200kg. Con tàu mang tên Bkavee (Bach Khoa Air Cushion Vehicle) với đặc điểm nổi bật là có thể đậu bất cứ đâu, tính cơ động cao chứ không phải cần bến bãi, neo đậu như tàu thủy.
Vy Bảo Thịnh, thành viên trong nhóm cho biết: “Tàu đệm khí có cấu tạo gồm thân tàu, quạt nâng, chong chóng đẩy, váy đệm khí, hệ thống lái… Nguyên lý hoạt động cơ bản của tàu đệm khí là dùng một lực nén có chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới để đẩy thân tàu lên, không còn tiếp xúc với bề mặt địa hình.
Vì vậy, nó có thể chạy trên nhiều dạng địa hình với tốc độ cao. Quạt nâng sẽ cung cấp khí và duy trì áp lực đệm khí trong không gian được vây bởi váy khí, bánh lái ở đuôi tàu giúp điều khiển tàu. Chong chóng đẩy tạo lực đẩy chính cho tàu”.
Trong quá trình thử nghiệm ngay tại khuôn viên trường, tàu đạt vận tốc 25-30km/h. Nhiều SV tỏ ra rất ngạc nhiên khi nâng váy khí lên không thấy bánh xe.
“Thực ra, tàu đệm khí đã được phát minh và sử dụng trong quân sự lẫn dân sự ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc nghiên cứu và phát triển tàu đệm khí vẫn còn khá mới mẻ”, Võ Trọng Thi, thành viên trong nhóm cho hay.
Trên trang web http://taudemkhivietnam.com, kỹ sư ngành Nguyên tử lực Đinh Công Thành cho biết: “Trước đây, trong khoảng những năm 1970-1972, khi quân Mỹ đưa tàu đệm khí vào Đồng Tháp Mười, ai ai cũng tưởng nó là thần thánh, tương đương như máy bay B52. Thực ra, chỉ cần hai chiếc vỏ lãi cộng lại là có ngay một chiếc tàu đệm khí. Miền Nam ta sông nước chằng chịt như bàn cờ, hàng chục ngàn chiếc vỏ lãi lưu thông mỗi ngày. Nếu được áp dụng, nó sẽ giải phóng người dân miền sông nước khỏi cái nghèo cái khổ”.
Tàu đệm khí được giới SV đam mê kỹ thuật gọi là “tàu thủy đánh bộ”. Ở những nơi tàu thủy hay các phương tiện sử dụng chân vịt không thể di chuyển như đầm lầy, bãi bồi, các vùng sông nước nhiều rong rêu, lục bình…, “tàu thủy đánh bộ” vẫn vô tư… vượt chướng ngại vật.
Khi chạy trên mặt đất, giữa tàu và mặt đất hình thành một đệm khí để nâng tàu lên. Vì vậy tàu có thể di chuyển ngay trên các con đường gồ ghề, bùn lầy hay thậm chí trên thảo nguyên, sa mạc hay mặt biển đóng băng. Ngoài máy bay lên thẳng, “tàu thủy đánh bộ” hiện là phương tiện có thể đi được đến nhiều địa hình nhất.
Tàu đệm khí không chỉ là tâm huyết của TS. Lê Đình Tuân và nhóm bạn SV mà còn là niềm mong mỏi của các thầy cô và SV trong khoa. Trong khi thiết kế, chế tạo, có những lúc kinh phí cạn kiệt, thầy Tuân phải bán chiếc nhẫn vàng đang đeo để có tiền tạm ứng tiếp tục hoàn thành sản phẩm.
Ngay cả số tiền 11 triệu đồng sơn tàu, cả nhóm cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của các thầy cô. Theo TS. Lê Đình Tuân, chiếc tàu đệm khí 3 chỗ ngồi đầu tiên ở Việt Nam nếu đưa vào sản xuất đại trà sẽ có giá 100-150 triệu đồng/ chiếc, đạt vận tốc 60km/h.