Trong đó, phương án cao là tăng vùng 1 từ 2 triệu đồng/tháng lên 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2 từ 1,78 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 từ 1,55 triệu đồng lên 2,13 triệu đồng/tháng; và vùng 4 từ 1,4 triệu đồng lên 1,93 triệu đồng/tháng.
Phương án thấp vùng 1 tăng lên 2,5 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2,25 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 1,95 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 1,8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, chưa bao giờ ý kiến giữa đại diện giới chủ và giới thợ lại đối lập với nhau như vậy.
Đại diện cho giới chủ, ông Phạm Gia Túc, phó chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cảnh báo: “Kinh tế khó khăn, tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp phá sản hơn”. Để thuyết phục, ông Túc chứng minh: ở nhiều nước việc điều chỉnh lương tối thiểu được gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số ngành chủ chốt của nền kinh tế.
Đại diện cho giới thợ, ông Trần Anh Tuấn thuộc tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, lại cho rằng cơ quan này đã có khảo sát, kết quả cho thấy phần lớn doanh nghiệp trả lương thực cao hơn lương tối thiểu bằng hình thức trả các khoản phụ cấp, trợ cấp bổ sung. “Thực tế thu nhập bình quân của người lao động từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng”, ông Tuấn khẳng định.
Tuy vậy, mức thu nhập này vẫn chỉ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu hiện nay của người lao động. Do vậy ông Tuấn kiến nghị nên lựa chọn phương án 1.
Giữ vai trò trung gian giữa giới chủ và giới thợ, ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội cho rằng theo lộ trình, năm 2015 lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động tính đủ nuôi thêm một người con. Dự kiến tới tháng 10, Chính phủ sẽ công bố mức lương tối thiểu áp dụng vào ngày 1-1-2013. Tuy nhiên, nếu tình hình sáu tháng cuối năm 2012 doanh nghiệp vẫn khó khăn thì thời gian thực hiện lương tối thiểu mới sẽ được lùi khoảng từ 3 – 6 tháng.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, cho rằng cách hiểu về lương tối thiểu và cách thiết kế hệ thống thang, bảng lương lấy lương tối thiểu làm căn cứ để tính hệ số cho người lao động vẫn đang được áp dụng từ khu vực nhà nước tới khu vực doanh nghiệp, đang khiến lương tối thiểu trở thành một “tội đồ” của việc thu nhập không đáp ứng được mức sống. “Đó là sai lầm có tính hệ thống”, ông Cường khẳng định. Tuy nhiên, để thay đổi hệ thống và tất cả những gì đang làm, cần một cuộc cải cách mạnh mẽ.