Tăng huyết áp làm khổ bà bầu
> Huyết áp thấp cực kỳ nguy hiểm
Huyết áp tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ sức khoẻ sản phụ, thai nhi mà còn với trẻ sơ sinh sau này. Nguy hiểm hơn, có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn con. Chẩn đoán sớm tình trạng huyết áp có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sức khoẻ sản phụ, thai nhi, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Huyết áp thay đổi khi mang thai
Có ba yếu tố quan trọng chi phối huyết áp là tim, mạch máu và máu. Huyết áp thay đổi theo các hoạt động sinh lý, ví dụ: gia tăng theo cảm xúc (vui, buồn làm tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, đưa đến huyết áp tăng), theo hoạt động thể lực, ăn no (giảm huyết áp), đo huyết áp lúc nằm hay đứng, đo ở vị trí cách xa tim nhiều hay ít, theo tuổi, theo giới... Huyết áp được gọi là tăng khi ở mức 140/90mmHg trở lên.
Khi mang thai, huyết áp có thay đổi, do lượng máu của mẹ tăng về thể tích (tăng khoảng 50%), máu loãng hơn (do tăng lượng chất lỏng nhiều hơn tăng số lượng các tế bào máu), tim đập nhanh hơn, giảm sức cản của hệ thống mạch máu ngoại biên... Các bệnh lý có tăng huyết áp trong thai kỳ thường xuất hiện từ tháng thứ năm trở đi. Nếu không theo dõi huyết áp ngay từ khi bắt đầu mang thai và theo dõi thường xuyên liên tục sau đó, sẽ rất dễ bỏ qua giai đoạn huyết áp bắt đầu nhích dần lên so với mức bình thường. Từ đó, dễ phát hiện muộn các dấu hiệu huyết áp, kéo theo phát hiện bệnh muộn.
Ảnh hưởng cả mẹ và con
Có bốn nhóm bệnh liên quan đến tăng huyết áp trong thai kỳ: cao huyết áp thai kỳ (chỉ có cao huyết áp đơn thuần), tiền sản giật (gồm cao huyết áp, phù và có đạm trong nước tiểu), cao huyết áp mãn tính (cao huyết áp trước khi mang thai), cao huyết áp mãn tính ghép thêm tiền sản giật.
Cao huyết áp thai kỳ và tiền sản giật chỉ xảy ra sau tuần thai thứ 20. Hai bệnh còn lại xảy ra khi dấu hiệu huyết áp xuất hiện trước mang thai hay trước tuần thai thứ 20. Nếu không kiểm soát được huyết áp, có thể dẫn đến các tai biến cho mẹ (giống như tai biến mạch máu của người bệnh cao huyết áp), do mạch máu bị vỡ dưới áp lực quá cao.
Với con, do tình trạng máu nuôi kém, có thể có thai nhẹ ký hay suy dinh dưỡng, sợ nhất là tình trạng sanh non hay buộc lòng phải cho con ra đời sớm để giảm bệnh lý cho mẹ. Các bệnh lý huyết áp của thai kỳ, đa số giảm rõ rệt sau khi thai sinh ra. Tăng huyết áp trên thai cũng lấy 140/90mmHg là ngưỡng cần dùng thuốc.
Tự theo dõi cân nặng và huyết áp
Điều trị tăng huyết áp trong thai kỳ chủ yếu là thuốc hạ áp, khi huyết áp trên ngưỡng. Trước đó, cần theo dõi sát các diễn tiến của huyết áp. Trong tiền sản giật, còn dùng thuốc chống co giật, để hạn chế cơn giật xảy ra. Quan trọng nhất là việc lấy thai ra khi sức khoẻ mẹ quá nghiêm trọng.
Phòng ngừa tốt nhất là theo dõi huyết áp sớm và thường xuyên lúc mang thai, biết được tình trạng huyết áp trước khi mang thai, tránh mang thai khi còn quá trẻ hay đã quá lớn tuổi, điều trị ổn định các bệnh nội khoa trước khi mang thai.
Đây cũng là lý do tại sao mỗi lần khám thai đều có đo huyết áp, xem cân nặng và thử nước tiểu. Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn khuyến khích các thai phụ tự theo dõi cân nặng và huyết áp của mình. Cân nặng có thể tự theo dõi qua một cái cân cố định (của gia đình) sẽ chính xác hơn mỗi lần dùng một cái cân khác nhau (khi đi khám thai). Tự theo dõi huyết áp tại nhà cũng là điều hoàn toàn có thể thực hiện, với những máy móc tự động, dễ sử dụng, giá thành không cao. Đây là một thực hành tốt và khả thi, rất nên khuyến khích người dân, đặc biệt các thai phụ.
ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh,
Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM
Theo Sài Gòn tiếp thị