Tăng cường tham mưu giải pháp góp phần quản lý, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao tại KBNN Ninh Thuận

Ngay từ những tháng đầu năm 2023, các Bộ, ngành đã có nhiều công văn gửi địa phương về việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá thực hiện, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách nhà nước.

Tiếp đến là chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm xử lý thu hồi nợ tạm ứng đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Mặc dù kết quả thu hồi tạm ứng qua các năm đều tăng và vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua hàng năm, tuy nhiên số dư tạm ứng còn lại cho thấy vẫn còn nhiều khoản tạm ứng từ nhiều năm trước chưa được thu hồi và cũng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm do một số chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm và quyết liệt trong việc báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương tháo gỡ khó khăn của những dự án do chuyển đổi chủ đầu tư, do nhân sự thay đổi, hồ sơ thất lạc ...

Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng cấp bách được triển khai, số tiền chi cho công tác giải phóng mặt bằng rất lớn, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đánh giá, xây dựng phương án đền bù cho phù hợp với thực tế dẫn đến phát sinh nhiều phương án bồi thường, nhiều trường hợp người dân không nhận tiền bồi thường, chủ đầu tư chưa kịp thời đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh bổ sung phương án đền bù nên không thể thu hồi tạm ứng dẫn đến nợ tạm ứng còn ở mức cao.

Tại phòng Kiểm soát chi, với tỷ trọng số dư tạm ứng chiếm đến 91% toàn tỉnh (911/1.000 tỷ đồng), trong đó còn rất nhiều khoản tạm ứng tồn đọng qua nhiều năm của các dự án cũ, bàn giao qua nhiều chủ đầu tư từ nhiều năm trước, đòi hỏi mỗi giao dịch viên phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ dự án mình phụ trách; đồng thời bám sát các quy định của Bộ, ngành, địa phương cũng như tiến độ giải ngân và tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng để đôn đốc chủ đầu tư xử lý.

Trước yêu cầu đặt ra về quản lý hiệu quả số dư tạm ứng, nhằm nâng cao chất lượng quản lý tình hình tạm ứng và giảm thiểu tối đa số dư tạm ứng tồn đọng. Phòng Kiểm soát chi đã tham mưu lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận ký ban hành nhiều công văn gửi các chủ đầu tư. Điểm nhấn trong năm 2023 vừa qua, Tập thể phòng Kiểm soát chi đã tổ chức thảo luận, bàn bạc nhiều giải pháp và đi đến thống nhất đề xuất, tham mưu Đảng ủy Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận ban hành Nghị quyết chuyên đề số 394-NQ/ĐU ngày 02/3/2023 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công với 05 nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

Trên tinh thần triển khai các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 394-NQ/ĐU của Đảng ủy Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận đã chỉ đạo, tập thể phòng Kiểm soát chi luôn bám sát, đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện thu hồi tạm ứng (từ đầu năm đến nay đã tham mưu, ban hành hơn 60 văn bản). Kết quả đến cuối tháng 10/2023, toàn tỉnh đã giải quyết thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành để thu hồi số tiền tạm ứng năm 2022 về trước 489/1.000 tỷ đồng, giảm 49% (riêng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 161/329 tỷ đồng, giảm 49%), gần đạt chỉ tiêu giao ước thi đua và Nghị quyết 394-NQ/ĐU đề ra (thu hồi tạm ứng từ năm 2022 về trước giảm >50%). Trong đó, thu hồi nộp lại ngân sách nhà nước nhiều khoản tạm ứng quá hạn từ những năm 2003 trở về trước (thu hồi tạm ứng 123,8 triệu đồng, nộp giảm cho ngân sách nhà nước 152,5 triệu đồng).

Với sự đoàn kết và quyết tâm cao của tập thể phòng Kiểm soát chi trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 394-NQ/ĐU, dự kiến đến cuối năm 2023, kết quả thu hồi nợ tạm ứng các năm trước sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra./.