Tăng công suất sản xuất hàng Tết

TP - Dù mới khôi phục sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đã tăng hết công suất để chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường cuối năm và hàng Tết.
Nhiều doanh nghiệp tăng sản lượng hơn 30% để phục vụ thị trường Tết Ảnh: U.P

Chạy hết công suất

Gần một tháng qua, Công ty CP Bibica liên tục sáng đèn để làm hàng Tết. Năm nay, đơn vị này lên kế hoạch đưa ra thị trường Tết 2022 khoảng 2.500 tấn bánh kẹo. Tuy sản lượng này chỉ bằng 80% so với tết năm ngoái, nhưng Bibica cho biết sẽ linh động tăng giảm tùy theo tình hình dịch bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty CP Bibica cho biết: “Để kịp tung hàng phục vụ Tết, Bibica đang tuyển thêm từ 200-250 lao động thời vụ, nhưng khá khó khăn nên các công nhân hiện hữu phải đảm đương nhiều khâu để kịp đơn hàng”.

Là một trong những nhóm hàng thiết yếu, DN sản xuất dầu ăn đã dự trữ sẵn nguồn nguyên liệu để không đứt gãy chuỗi cung ứng nhằm phục vụ thị trường Tết. Ngoài ra, sản phẩm của công ty còn nâng thành quà Tết sang trọng. Ông Bùi Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An nhìn nhận, 2021 là một năm với nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, giá cả biến động nên người tiêu dùng sẽ cân nhắc hơn trong chi tiêu. Do đó, quà tết 2022 sẽ không thiên về sự hào nhoáng mà mang tính thiết thực nhiều hơn. “Năm nay, chúng tôi không chỉ tăng sản lượng dầu ăn ra thị trường lên 30% so với cùng kỳ, mà còn thiết kế bộ quà tặng mang ý nghĩa an khang - cát tường” - ông Tùng chia sẻ.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng, mọi năm, thời gian này Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh, đi lại khó khăn nên Sở Công thương đang phối hợp với Sở Công thương các tỉnh để rà soát lại nguồn hàng. “Tuy nhiên dù xảy ra bất cứ trường hợp nào, thì việc cung ứng hàng Tết vẫn sẽ đảm bảo đầy đủ như mọi năm”.

Nhộn nhịp với những đơn hàng xuất khẩu hậu dịch, Công ty TNHH Tân Nhiên chi nhánh TPHCM cũng đang chạy hết công suất làm hàng Tết. “Bánh tráng là món ăn gần như nhà nào cũng có trong mỗi dịp Tết. Các loại bánh tráng cuốn, bánh tráng chả giò… luôn cháy hàng vào dịp này. Hiện, trung bình Tân Nhiên đưa ra thị trường từ 12-14 tấn bánh tráng/ngày. Tết năm nay, công ty sẽ không tăng giá để hỗ trợ cho khách hàng dễ dàng mua sắm”, ông Phạm Thái Hoàng - Giám đốc Công ty Tân Nhiên chi nhánh TPHCM nói.

Căng mình giữ giá

Chi phí nguyên liệu đầu vào, giá gas, xăng dầu… đồng loạt tăng thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả hàng Tết. Tuy nhiên, nhiều DN khẳng định, chấp nhận bán lỗ để giữ giá, hỗ trợ người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết: “Giá nguyên liệu hiện nay tăng hơn 30% nhưng để phục vụ người tiêu dùng trong mùa cuối năm, công ty cam kết đảm bảo nguồn hàng dự trữ, không để xảy ra thiếu hụt hàng và không tăng giá sản phẩm. Chúng tôi có thể đáp ứng nguồn cung đến 1,5 triệu quả trứng/ngày vào giai đoạn cao điểm cuối năm, dịp lễ tết. Con số này tăng 500.000-700.000 quả so với mức bình thường” - bà Huân nói và cho biết thêm, đơn vị chuẩn bị tung ra một số sản phẩm mới như xúc xích tiệt trùng gà, lạp xưởng gà quay mai quế lộ...

Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho hay, để chuẩn bị nguồn hàng cho Tết 2022, Vissan đã khởi động với nguồn hàng tươi sống khoảng 3.000 tấn, thực phẩm chế biến khoảng 4.200 tấn.

Tuy vậy, lãnh đạo Công ty Vissan thừa nhận thời gian gần đây giá xăng dầu tăng mạnh, nguyên phụ liệu cũng tăng cao 10-30%. Chẳng hạn, với sản phẩm lon thiếc làm đồ hộp, do dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đẩy giá mặt hàng này tăng và không ổn định. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi

Nhiều công ty dự báo sức mua trong tết Nhâm Dần 2022 giảm từ 10-20%, nguyên nhân do người dân thắt chặt chi tiêu do giảm thu nhập. Hơn nữa, thị trường mua sắm cũng được cho là sẽ không sôi động như mọi năm do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, người dân ngại đến nơi đông người để mua sắm.

Có kinh nghiệm trong ngành tiêu dùng và bán lẻ, ông Phạm Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty TMĐT Gro 24/7 Vietnam cho rằng, việc chuẩn bị cho tiêu thụ dịp Tết là điều mà bất kỳ DN nào cũng làm. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của thị trường Tết năm 2022 hoàn toàn khác so với những năm trước. Cụ thể, nếu như trước đây thời gian mua sắm của người tiêu dùng khoảng 6 tuần trước tết, thì nay chỉ còn từ 2-3 tuần (là thời điểm vàng mua sắm). Vì vậy, câu chuyện dự báo trong mùa Tết 2022 càng trở nên quan trọng hơn, không chỉ dự báo nhu cầu tiêu dùng, mà quan trọng nhất là “điểm rơi”. Ngoài ra, khách hàng hiện nay cũng thay đổi thói quen, không dự trữ hàng Tết như trước nên DN cung ứng cũng cần phải cân nhắc kỹ trong việc dự trữ hàng hóa.