Tài thao lược của vị tướng có công thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ

TPO - Lòng trí dũng, thao lược của vị tướng huyền thoại Nguyễn Bình đã được các nhà khoa học, chuyên gia khẳng định tại Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình – Nhà quân sự tài năng, đức độ” diễn ra sáng 21/7. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM tổ chức nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30/7/1908 – 30/7/2023).

PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng công lao quan trọng, lớn nhất của Trung tướng Nguyễn Bình là thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ ngày đầu kháng chiến chống Pháp, trong bối cảnh lực lượng vũ trang ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được hình thành từ nhiều nguồn, gồm nhiều thành phần, có thái độ chính trị và ý chí chiến đấu khác nhau. Đây cũng là tiền đề quan trọng để hình thành và phát triển lực lượng cách mạng về sau.

Trước đó, khi quyết định cử Nguyễn Bình vào Nam Bộ thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Các lực lượng trong đó (Nam Bộ - PV) đang cần một chỉ huy tài năng, có thể tập hợp các đơn vị vũ trang lại. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng "Thập nhị sứ quân" rất bất lợi cho cách mạng".

PGS.TS Phan Xuân Biên trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Ông Phan Xuân Biên nhắc lại việc cuối năm 1945, Trung tướng Nguyễn Bình trực tiếp thâm nhập vào nội thành Sài Gòn xem xét tình hình. Sau đó, vị tướng này đã kết luận “có thể đánh du kích ngay giữa lòng địch, xuất phát từ căn cứ nằm giữa lòng dân”. “Đây là nhận định hết sức sáng suốt, nhanh nhạy lúc bấy giờ”, ông Biên nói rõ.

Từ các nghiên cứu về lực lượng vũ trang Sài Gòn – Gia Định, PGS.TS Phan Xuân Biên cho biết những gì do tướng Nguyễn Bình trực tiếp chỉ đạo trước đó, đã được Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn và Tỉnh uỷ Gia Định tiếp tục củng cố, phát triển trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; đồng thời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định đã xây dựng, tổ chức hoạt động lực lượng vũ trang quân khu cũng đều bắt nguồn từ những kinh nghiệm thời tướng Nguyễn Bình.

“Di sản, tài thao lược của tướng Nguyễn Bình những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến đã được các thế hệ chỉ huy lực lượng vũ trang Sài Gòn – Gia Định kế tiếp phát huy thành nghệ thuật quân sự độc đáo, đạt trình độ cao. Đó cũng là dấu ấn Nguyễn Bình trong lịch sử xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang TPHCM”, PGS.TS Phan Xuân Biên khẳng định.

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo.

Tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định Nguyễn Bình là vị tướng luôn gần dân, sáng tạo trong công tác vận động quần chúng làm cách mạng, là người có uy tín trong mọi tầng lớp nhân dân. Khi được giao nhiệm vụ đánh địch, ông luôn chú trọng công tác binh vận, xây dựng lực lượng ngay trong lòng địch, phối hợp chặt chẽ với lực lượng này trong tiến công địch, trong khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Trung tướng Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo) sinh năm 1908 tại thôn Yên Phú, xã Tinh Tiến, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 20/1/1948, ông được Nhà nước phong quân hàm Trung tướng và cũng là trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nguyễn Bình cũng là vị tướng liệt sĩ đầu tiên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Với những cống hiến to lớn cho Tổ quốc, Trung tướng Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.