Sự phát triển mạnh mẽ của huyện miền núi Nam Đông, địa phương vừa được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, đã bị thiên tai kéo giật lùi về với quá khứ lạc hậu như những ngày đầu thành lập huyện - 15 năm trước.
Đến thời điểm này, Nam Đông được xác định là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 6 của tỉnh TT-Huế, với 21 người bị thương, hơn 3.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái, 1.050 ha cao su bị gãy đổ, 855 ha rừng kinh tế hư hại, nhiều trường học, bệnh viện, công sở bị gió bão xô đổ...
Đến Nam Đông những ngày này, đi từ đầu đến cuối huyện, ở đâu cũng thấy ngổn ngang những tôn lợp, sách vở, quần áo, vật dụng bị bão lớn hất tung tả tơi trên những ngả đường, góc xóm.
Cây cao su được xem là nguồn “vàng trắng” và mũi nhọn kinh tế của Nam Đông, đem lại sự đổi đời cho hàng nghìn hộ dân, nay đã bị thiên tai “cướp không”.
Dân trồng cao su đang rơi vào đỉnh điểm tuyệt vọng. Có người bỗng chốc thiệt hại đến gần 1 tỷ đồng, như trường hợp gia đình anh Vương Đình Mùi ở thị trấn Khe Tre.
Là một trong những tấm gương đi đầu về trồng cao su, khiến nhiều hộ dân mạnh dạn làm theo từ 15 năm nay, gia đình anh Mùi hiện phải chịu tổn thất nặng nề nhất.
Lên vùng đất mới Nam Đông lập nghiệp 15 năm về trước từ hai bàn tay trắng, gia đình chị Trần Thị Mai ở thôn 9 - xã Hương Hoà - vay mượn nhiều nơi để có đủ tiền trồng cao su tiểu điền, 2 năm trở lại đây, rừng cây đã cho thu hoạch mỗi ngày được 150.000 đồng, nhờ đó trang trải một phần nợ nần.
Bão dữ tàn phá tan nát rừng cao su của gia đình chị, khiến khoản nợ vay trồng rừng hiện không biết phải xoay xở vào đâu. Chị Mai bật khóc: “Cứ ngỡ cuộc đời đã đổi thay nhờ cây cao su, nhưng tất cả giờ đã trở thành con số 0...”.
Cùng cảnh ngộ trắng tay và nợ nần như chị Mai còn nhiều chủ rừng cao su khác. Bác Đặng Hường ở thôn 8 (Hương Hoà) than thở: “Rừng cao su không còn, mấy chục triệu nợ vay ngân hàng sắp tới chẳng biết lấy đâu ra để trả, cuộc sống áo cơm sắp tới của gia đình đang trở nên mịt mờ hơn bao giờ hết...”.
Bác ngậm ngùi tâm sự, dân trồng cao su trước đây mua hàng thiếu nợ ở các đại lý hàng triệu đồng đều được “vô tư” chấp nhận, nhưng kể từ sau bão đến nay, chẳng còn hàng quán nào chịu cho mua nợ, dù chỉ là một tấm tôn lợp nhỏ.
Nhiều người trồng cao su bị sập nhà hiện vẫn chưa thể sửa sang lại vì không có tiền mua vật liệu. Cây cao su bị bão tàn phá kéo theo sự thất nghiệp của hơn 500 nhân công chuyên cạo mủ cao su cho các chủ rừng; làm thất thu từ 1 - 1,5 triệu đồng mỗi tháng đối với từng người đi cạo mủ.
Đời sống của người dân Nam Đông bắt đầu bị đảo lộn, người khá giả đang trở lại vật lộn với khốn khó.
Ông Nguyễn Thanh Kiếm - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - bày tỏ nỗi thất vọng, thành quả 15 năm, kể từ ngày thành lập huyện, đang trở về lại vạch xuất phát.
Nhà dân, trường học, bệnh viện công sở... bị sập đổ, rồi đây sẽ được tái thiết, nhưng nguồn “vàng trắng” cao su giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo đột nhiên mất đi, chưa biết khi nào mới khôi phục trở lại.
Sau thiệt hại nặng nề này, người dân chưa biết đến bao giờ mới có thể gượng dậy nổi. Trước mắt, để xoa dịu những tổn thất kinh tế nặng nề, huyện đã hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi xã 2 tấn gạo, mỗi gia đình bị sập nhà 2 triệu đồng, từ nguồn phân bổ khắc phục bão lụt của nhà nước.
Ưu tiên trước mắt là không để dân bị đói, lâm cảnh màn trời chiếu đất, trường học, trạm y tế, giao thông, điện sinh hoạt, thông tin liên lạc cần nhanh chóng hoạt động trở lại, sớm cải thiện vệ sinh môi trường...
Về lâu dài là tập trung toàn lực khôi phục nền kinh tế đang bị thiên tai kéo giật lùi về với lạc hậu, kém phát triển hơn 10 năm trước.