Marie Colvin, nữ nhà báo người Mỹ làm việc cho tờ Sunday Times của Anh, và phóng viên ảnh người Pháp Remi Ochlik tử nạn trong vụ nã pháo hôm 21-2 ở thành phố Homs. Các nhà hoạt động cho biết ngoài hai nhà báo tử nạn, ít nhất 13 người chết và một số phóng viên bị thương.
Một loạt chính phủ phương Tây đã lên tiếng ngay sau cái chết của hai nhà báo người Anh và người Mỹ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy xem vụ nã pháo làm hai nhà báo thiệt mạng là cuộc mưu sát.
“Thế đã là quá đủ. Chế độ này phải chấm dứt và người dân Syria có quyền sống cuộc sống của họ, tự do lựa chọn số phận của mình. Tôi nghĩ nếu nhà báo không có mặt ở đó, cuộc thảm sát sẽ tồi tệ hơn” - ông Sarkozy nói.
Chính phủ Pháp và Anh yêu cầu 3 nhà báo bị thương được chăm sóc y tế.
Chỉ riêng ngày 22-2 đã có hơn 60 người thiệt mạng, gồm cả lực lượng nổi dậy và dân thường. Các đoạn băng video do các nhà hoạt động đối lập đăng tải cho thấy nhà cửa, phố xá bị tàn phá nặng nề, các bác sĩ làm việc trong điều kiện tồi tệ.
Tình hình tại Syria ngày càng căng thẳng, khiến một số nhân vật quốc tế như Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain lên tiếng đề nghị cần sự can thiệp. Nga đã bày tỏ lo ngại, kêu gọi các bên ở Syria ngay lập tức chấp dứt các hành động bạo lực.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo ngày 22-2, Moscow kêu gọi ngừng cung cấp tài chính và vũ khí từ bên ngoài cho phe đối lập Syria nhằm góp phần giải quyết hoà bình cuộc xung đột tại nước này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov khẳng định Nga có trong tay những bằng chứng xác nhận phe đối lập Syria hiện nhận được viện trợ tài chính và vũ khí từ bên ngoài, kể cả qua lãnh thổ Lebanon, đồng thời tuyên bố Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác không chấp nhận những mưu đồ và hành động như vậy.
Trước đó, ngày 21-2, Ủy ban Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (ICRC) kêu gọi các phe phái ở Syria ngừng bắn 2 giờ/ngày để tạo điều kiện cho việc phân phát hàng viện trợ nhân đạo cho người dân nước này.
Theo Người Lao Động