Suýt chết vì 'bỏ quên' hạt vú sữa trong phổi hàng tháng trời

TPO - Bỗng nhiên bị đau, khó thở, điều trị tại nhiều bệnh viện với chẩn đoán là viêm phổi nhưng mãi không khỏi. Trong một lần tái khám, người đàn ông tá hỏa phát hiện mình bị hóc dị vật trong phổi mà bản thân không hề hay biết. Đây cũng là nguyên nhân khiến anh phát bệnh hàng tháng trời.

Ngày 17/7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân bị hóc hạt vú sữa trong phổi nhưng không hề hay biết.

Bị mắc dị vật trong phổi hàng tháng trời nhưng anh Trường không hề hay biết và cũng không biết bị từ lúc nào - Ảnh: Kim Hà.

Bệnh nhân nói trên là anh Trần Văn Trường (43 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Theo người nhà cho biết, cách đây khoảng một tháng 2 vợ chồng anh đi chơi ở Phú Quốc, lúc này anh Trường có uống với bạn bè một chai bia rồi về ngủ. Đến sáng hôm sau thì phát lên cơn đau, khó thở nên vợ bệnh nhân đã đưa anh đi nhập viện. Tại đây, anh Trường được chẩn đoán bị viêm phổi nặng.

Sau đó, bệnh nhân này tiếp tục đến một bệnh viện ở Cần Thơ để điều trị. Được khoảng 2 tuần, bệnh thuyên giảm, anh Trường được cho xuất viện. Tuy nhiên, bệnh không khỏi hẳn, thường xuyên bị những triệu chứng sốt, ho, khạc đàm và nặng ngực nên gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để kiểm tra.

Hạt vú sữa được lấy ra từ phổi bệnh nhân - Ảnh: Kim Hà.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản để tìm nguyên nhân. Quá trình này phát hiện một dị vật nghi là hạt ở phế quản thùy dưới bên trái. Mặc dù trước đó, bệnh nhân đã đến nhiều bệnh viện để điều trị nhưng không phát hiện bị hóc dị vật và bản thân anh không hề biết mình đã hóc từ lúc nào. Ngay sau đó, ekip bệnh viện đã hội chuẩn và quyết định nội soi tại phòng mổ để lấy dị vật cho bệnh nhân.

Cuộc nội soi thành công, dị vật được lấy khỏi phế quản bệnh nhân được xác định là hạt của trái vú sữa. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của anh Trường đã ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trao đổi với Tiền Phong, Tiến sĩ Bác sĩ Cao Thị Mỹ Thúy – Trưởng khoa Nội hô hấp cho biết, ngay thời điểm mới bắt đầu hít phải dị vật vào đường thở thường bệnh nhân sẽ có phản xạ ho, có thể lên cơn khò khè khó thở đó gọi là hội chứng xâm nhập. Những trường hợp như vậy bệnh nhân phải cảnh giác ngay khả năng đã bị dị vật lọt vào đường thở để sớm đến cơ sở y tế để tìm xem có dị vật mắc ở đường thở hay không, trước khi có những biến chứng.

Riêng trường hợp này là bệnh nhân không biết dị vật vào đường thở lúc nào, gọi là dị vật bị bỏ quên. Chỉ khi có những biến chứng về phổi như viêm phổi sau tắt nghẽn do hiện tượng dị vật làm bít, tắt lòng đường thở và gây ra tình trạng nhiễm trùng dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe thì người bệnh mới đến điều trị. Nếu không phát hiện kịp sẽ gây áp xe hóa, tràn mủ màng phổi do biến chứng viêm màng phổi sau tắt nghẽn.