Gút (gout) còn gọi là thống phong là một bệnh chuyển hóa chất purin gây ứ đọng tinh thể monosodim urate tại khớp và mô liên kết do tăng lượng acid uic trong huyết thanh, với các triệu chứng lâm sàng như viêm khớp tái phát nhiều lần, dị dạng khớp gối, nổi u cục dưới da và quanh khớp và có các biến chứng chủ yếu liên quan đến thận. Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên.
Đối với bệnh nhân gút, ngoài việc tuân thủ liệu trình do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, có thể kết hợp điều trị bằng liệu pháp dinh dưỡng, mục tiêu là nhằm đào thải hoặc hạn chế thu nạp chất purin trong cơ thể. Tuy nhiên, khó có thể xây dựng được một thực đơn không có purin.
Đối với người mắc gút ở mức trầm trọng vừa phải, chỉ cần giới hạn cung lượng purin ở mức còn khoảng 200mg/ngày. Có thể đạt được kết quả này bằng cách: Hạn chế thịt nạc và cá nạc, gia cầm; Tuyệt đối tránh thực phẩm chứa rất nhiều purin (óc, gan, bầu dục, tuyến ức bê, lưỡi, thịt lợn); Uống nhiều nước...
Đúng là chế độ dinh dưỡng của người bệnh gút cần giảm các đồ uống có tính chua.
Tuy nhiên sữa và các sản phẩm của sữa như sữa chua lại là các thức ăn tốt cho việc phòng và chữa bệnh gút. Nên dùng 1 hộp sữa chua/ngày là thích hợp. Lượng dùng vừa phải này không chỉ giúp hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh gút rất tốt, mà không làm ảnh hưởng đến tình trạng lắng đọng axit uric.
Điều này có được là do sữa chua là sản phẩm của quá trình lên men sữa động vật bởi một số loại vi khuẩn gồm: streptococcus thermophilus, lactobacillus bungaricus, streptococcus lactic, lactobacillus caucasicus, streptococcus cremoris, nấm men... giúp chuyển đường đa thành đường đơn, giảm độ PH của sữa chua kéo theo sự đông tụ canxi trong sữa, chuyển hóa một phần casein (đạm trong sữa) thành peptone, axit amin.
Về khả năng ăn sữa chua để chữa khỏi bệnh gút thì đa số là thông tin ở dạng kinh nghiệm truyền miệng. Tuy nhiên, với những lợi ích của sữa đối với sức khỏe, thì ba của bạn nên sử dụng sữa chua trong thực đơn hàng ngày.
Mọi thắc mắc xin gửi về email suckhoe@baotienphong.com.vn